(BDO) Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nội dung cốt lõi được xác định rõ ràng đó là nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, nhân dân là người làm chủ xã hội, quyền làm chủ của người dân được thực hiện trên tất cả mọi lĩnh vực.
Các quan điểm sai trái phủ nhận thành quả dân chủ ở Việt Nam
Thời gian qua, trước những khó khăn về kinh tế - xã hội chưa được giải quyết và những diễn biến phức tạp trong khu vực, đặc biệt trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp… các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã triệt để lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền… nhằm đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025
Các phần tử cơ hội chính trị và chống đối ở trong nước cho rằng, ở Việt Nam không có dân chủ, đàn áp về nhân quyền ngày càng gia tăng, các quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt... Do đó, chúng đã liên kết với các phần tử cơ hội ở nước ngoài để đưa ra những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước thông qua việc đưa lên mạng internet những thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hòng làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Các tổ chức ở phương Tây đã và đang tìm mọi phương cách áp đặt các “tiêu chuẩn nhân quyền” kiểu phương Tây vào Việt Nam, đồng thời ra sức tung tin bịa đặt, như là “Việt Nam thiếu văn hóa dân chủ, không có dân chủ, hạn chế quyền riêng tư của công dân”; “Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ”; “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”…
Với chiêu bài “nhân quyền” cùng những luận điệu xấu độc và các bước đi đầy toan tính, mục đích của một số thế lực phương Tây là lèo lái Việt Nam đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa, theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Vấn đề mấu chốt trong học thuyết “học thuyết dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây cần áp dụng với Việt Nam” là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cách mạng Việt Nam. Đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản khoa học và phản động về thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam. Với chiêu bài “dân chủ” suy đến cùng mục đích của chúng là muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, thay đổi thể chế chính trị, hướng nước ta từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Những luận điệu sai trái, xuyên tạc này tác động làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân, giới trẻ hồ nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Do đó, cần phải nhận thức đúng các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, từ đó có luận cứ, luận chứng một cách khoa học để phản bác lại các quan điểm sai trái đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Luận cứ phê phán các luận điệu phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam
Chúng ta khẳng định dứt khoát không thể chấp nhận kiểu dân chủ mà các thế lực thù địch muốn áp đặt cho chúng ta. Bởi lẽ, dân chủ là một phạm trù chính trị, gắn với hình thức tổ chức Nhà nước của giai cấp cầm quyền. Dân chủ xuất hiện từ khi có Nhà nước và mỗi nền dân chủ phải gắn với một Nhà nước nhất định, được pháp luật của Nhà nước đó quy định. Không thể có thứ dân chủ chung chung phi giai cấp, mọi luận điệu phủ nhận vấn đề này chỉ là sự xuyên tạc.
C.Mác đã từng chỉ rõ: “Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”. Do đó, mọi hoạt động xã hội, kể cả dân chủ không thể đứng ngoài xã hội mà nó phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội và trình độ dân trí của xã hội đó.
Nền dân chủ tư sản cũng vậy, dù có tiến bộ hơn so với các nền dân chủ trước nó nhưng cũng không thể vượt ra ngoài nền tảng kinh tế của xã hội tư bản. Toàn bộ thiết chế của nền dân chủ tư sản chỉ đều nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản, bảo vệ quyền và lợi ích của thiểu số giai cấp thống trị mà thôi. Dân chủ trong xã hội chủ nghĩa khác hoàn toàn về chất so với nền dân chủ tư sản.
Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nội dung cốt lõi được xác định rõ ràng, đó là nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, nhân dân là người làm chủ xã hội. Quyền làm chủ của người dân được thực hiện trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là sự tham gia ngày càng rộng rãi của người lao động vào công việc quản lý nhà nước và xã hội thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Xét về bản chất, rõ ràng dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ ưu việt hơn, mang lại quyền lợi, lợi ích cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động, cho nên việc chúng ta lựa chọn nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là đúng đắn và phù hợp, không cần phải bàn cãi.
Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước. Thành công không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là giành, giữ vững độc lập dân tộc, từng bước xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng phải có đa đảng mới có “dân chủ và phát triển”.
Mức độ dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, không phụ thuộc vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền: Đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của ai và phục vụ, bảo vệ quyền và lợi ích cho số đông hay số ít người trong xã hội. Cho nên, ở quốc gia nhất nguyên, một đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân, phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia dù đa nguyên, đa đảng mà ở đó các đảng không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội.
Chính vì thế, năm 2010, khi trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ nhân chuyến thăm quốc gia này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn. Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.
Đối với về vấn đề nhân quyền, quyền con người là các nhu cầu về vật chất và tinh thần, từ nhu cầu về dân sự, chính trị đến kinh tế - xã hội và văn hóa được luật hóa và được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Xét về lịch sử, quyền con người chỉ đến với dân tộc Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Các Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền con người. Nội dung những quy định này hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người.
Hiến pháp 2013 đã dành cả một chương để quy định về quyền con người. Trong mọi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Đồng thời, coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia. Chính vì vậy, không có lý do gì để khẳng định rằng dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị bóp nghẹt. Mọi hoạt động coi trọng dân chủ, nhân quyền, nhân đạo theo các giá trị của phương Tây để áp đặt vào Việt Nam đều là giả tạo, thực chất là vì lợi ích của các nước phương Tây chứ không phải vì sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam. Tính nhân đạo và nhân văn đối với con người được thể hiện rõ trong bản chất của chế độ xã hội chứ không phải như những lời lẽ rêu rao của các thế lực thù địch.
Những thành tựu của đất nước sau 35 năm đổi mới là điều không thể phủ nhận, điều này đã được bạn bè quốc tế khẳng định. Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền về dân sự, chính trị đến quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả. Hơn thế, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch”, “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”. Không chỉ trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mà bất luận trong hoàn cảnh nào, người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng bảo vệ, bảo đảm cả về tính mạng, tài sản và điều kiện sống.
Tất cả những điều đó đã chứng minh bản chất tốt đẹp của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta lựa chọn. Càng cho thấy rằng, những luận điệu của thế lực thù địch chỉ là những lời lẽ giả hiệu, nham hiểm nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Do dó, chúng ta cần phải tỉnh táo để có nhận thức đúng đắn và đưa ra những luận cứ xác đáng nhằm đập tan những quan điểm phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam.
Nguyễn Minh Nguyệt