Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt không phải là phí xử lý nước thải

Cập nhật: 07-04-2016 | 08:30:59

Nhiều năm qua, một số hộ dân ở KP 9, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một đã bắt đầu xài nước máy và trả tiền theo hóa đơn hàng tháng. Tuy nhiên, khoảng nửa năm trở lại đây, hóa đơn tiền nước mỗi tháng lại kèm theo một khoản “phí bảo vệ môi trường” đối với nước thải sinh hoạt. Cho rằng trong khi khu dân cư mình sống chưa được xây dựng hệ thống thoát nước nhưng bị thu phí nước thải sinh hoạt là vô lý, một số hộ dân KP 9 đã liên hệ với đường dây nóng của Báo Bình Dương để phản ánh sự việc.

P.V Báo Bình Dương đã đến KP 9 để xác minh sự việc. Căn cứ vào hóa đơn tiền nước hàng tháng, thì ngoài số tiền nước phải đóng như những năm trước, nay các hộ dân phải đóng thêm khoản phí bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, theo hóa đơn từ ngày 5-1-2016 đến 4-2-2016, hộ anh Nguyễn Văn Châu tiêu thụ 20m3 nước. Tổng số tiền nước phải đóng là 140.000 đồng. Ngoài 7.000 đồng tiền thuế giá trị gia tăng 5% thì hộ anh Châu phải đóng thêm 14.000 đồng tiền “phí bảo vệ môi trường”.

Một số hộ dân muốn hiểu rõ về mức “phí bảo vệ môi trường” được ghi trong hóa đơn tiền nước máy mỗi tháng

Cũng theo hóa đơn người dân cung cấp thì mỗi hộ dân có mức phí khác nhau dựa trên tổng số tiền nước phải đóng. Chị Võ Thị Hữu Phúc, người dân KP 9 băn khoăn: “Tôi không hiểu sao hệ thống thoát nước của khu phố tôi chưa làm mà mỗi tháng lại phải đóng phí tiền nước thải? Qua Báo Bình Dương, chúng tôi rất muốn được hiểu rõ về khoản phí trên”.

Cũng theo một số hộ dân thì khi họ hỏi nhân viên thu tiền đều không được giải đáp thỏa đáng. “Họ nói bản thân họ đi thu tiền nhưng cũng không hiểu lắm về khoản tiền gọi là “phí bảo vệ môi trường”. Tôi nghe nói một số hộ dân có xài nước máy giống chúng tôi nhưng không phải đóng mức phí này”, một hộ dân khác thắc mắc.

Theo ông Nguyễn Huy Cường phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt không phải là phí xử lý nước thải như người dân vẫn nghĩ nên không liên quan gì đến hệ thống xử lý nước thải. Việc thu phí bảo vệ môi trường được áp dụng trên cả nước chứ không phải riêng ở Bình Dương. Tại Bình Dương, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được triển khai từ tháng 9-2015 đến nay.

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng phòng Kinh doanh, Xí nghiệp cấp nước Thủ Dầu Một, cho biết: “Về việc thu tiền phí bảo vệ môi trường, phía Xí nghiệp cấp nước Thủ Dầu Một chúng tôi thực hiện thu hộ UBND tỉnh. Căn cứ theo Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND về việc ban hành mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương của UBND tỉnh ngày 22-12-2014 thì đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là nước thải ra môi trường gồm có: Hộ gia đình (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 1 của văn bản này); cơ quan Nhà nước; đơn vị vũ trang nhân dân (trừ cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân); trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng hoạt động của các tổ chức (tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức nước ngoài và các tổ chức khác), cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến; cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác; các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải (trừ đối tượng nộp phí nước thải công nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 63/2003/TTLT-BTC-BTNMT)”.

Cũng theo ông Cường thì số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp được tính bằng số lượng nước sạch sử dụng của người nộp phí (m3) x Giá nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (đồng/m3) x Tỷ lệ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt (%). Hiểu một cách đơn giản thì phí bảo vệ môi trường của mỗi hộ dân sẽ được tính là 10% trên tổng số tiền sử dụng nước máy mà hộ dân đó phải đóng thể hiện trong biên lai. “Vì giữ vai trò thu hộ UBND tỉnh nên số tiền sau khi thu được chúng tôi chuyển về ngân sách của UBND tỉnh theo quy định. Chúng tôi cam kết không có trường hợp hộ dân nào có sử dụng nước sạch nhưng không bị thu mức phí trên như phản ánh”, ông Nguyễn Huy Cường cho biết.

 Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND về việc ban hành mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương của UBND tỉnh ra đời vào cuối năm 2014 và chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2015. Đến ngày 18-8-2015, UBND tỉnh ra Văn bản số 2800/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 23- 7-2015. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Quyết định 66 đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện truy thu phí từ thời điểm quyết định này có hiệu lực đến nay.

Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND về việc ban hành mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương của UBND tỉnh ra đời vào cuối năm 2014 và chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2015. Đến ngày 18-8-2015, UBND tỉnh ra Văn bản số 2800/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 23- 7-2015. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Quyết định 66 đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện truy thu phí từ thời điểm quyết định này có hiệu lực đến nay.

TÂM TRANG

 

 

Chia sẻ bài viết
Tôi biết chút ít về vấn đề này nhưng về thuật ngữ dân nói là đúng
Toan (Cách đây 8 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên