Phiên chợ hàng Việt tổ chức tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary (TP.Thuận An) đầu tháng 9-2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, làng nghề địa phương. Phiên chợ góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tăng tiêu thụ sản phẩm, lan tỏa niềm tin vào sản phẩm hàng Việt.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc tại phiên chợ hàng Việt tổ chức ở Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary
Quảng bá sản phẩm thế mạnh địa phương
Tỉnh Bình Dương hiện có 32 làng nghề, 9 nghề truyền thống. Để duy trì hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng hiện nay, nhiều nghệ nhân, DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Bình Dương đã linh hoạt tìm lối đi cho sản phẩm của mình.
Chị Trương Thị Thúy Diễm, chủ cơ sở sơn mài Thùy Vân, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, cho biết hiện cơ sở có khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm sơn mài hiện đại, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm trang trí như bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp và sản xuất theo mẫu mã, đơn đặt hàng của khách hàng. Tuy vậy, trong sản xuất, giới thiệu sản phẩm, chị Diễm vẫn chọn hướng giữ gìn nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm chất Á Ðông thông qua các bức tranh phong cảnh đồng lúa, bộ mai lan cúc trúc, mục đồng cưỡi trâu, tiều phu nghỉ chân... Tất cả đều được những người thợ tại cơ sở của chị chăm chút tỉ mỉ, sáng tạo và có hồn; thông qua nhiều phương pháp thể hiện như sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc... kết hợp trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, gốm, tre... Nhờ vậy, nhiều khách hàng tìm đến và chọn mua sản phẩm tại cơ sở của chị để biếu tặng vào các dịp lễ, hội nghị, tri ân khách hàng…
“Tham gia phiên chợ hàng Việt tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary, tôi mong muốn có thêm nhiều khách hàng biết đến sản phẩm truyền thống có giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, để thấy được sự khéo léo và cần mẫn từ đôi tay người thợ và mua những món quà ý nghĩa tặng người thân, đối tác”, chị Diễm chia sẻ.
Những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng xanh trở nên phổ biến. Trong đó, đồ mây, tre đan ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng, thẩm mỹ cũng như tính độc đáo của sản phẩm. Với bàn tay khéo léo và tài tình của người thợ Bình Dương, các sản phẩm mây, tre đan không chỉ là vật dụng thông thường mà còn là những tác phẩm nghệ thuật kết tinh giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Chị Huỳnh Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc (TP.Tân Uyên), cho biết những năm trở lại đây, nhu cầu của khách hàng về hàng mây, tre đan tăng đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều khách du lịch rất quan tâm đến các sản phẩm thủ công mang dấu ấn văn hóa bản địa. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty không ngừng tìm tòi và sáng tạo nhiều kiểu dáng, chủng loại như túi xách, bóp, ví, hộp quà, giỏ quà tặng, nón, chậu hoa...
Khách hàng tham quan gian hàng sơn mài thủ công mỹ nghệ Đinh Thiệu tại phiên chợ hàng Việt tổ chức ở Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Tại phiên chợ hàng Việt tổ chức ở Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary, các sản phẩm được tạo hình từ đất sét nung như gốm, bàn ghế sân vườn, bàn ghế cafe, tấm lót sân vườn… của DN tư nhân Như Ngọc (TP.Thuận An) thu hút sự quan tâm của khách hàng. Nghệ nhân Trương Tư, chủ DN, chia sẻ việc tham gia phiên chợ hàng Việt nhằm gia tăng cơ hội giới thiệu, gặp gỡ khách hàng tiềm năng. Qua phiên chợ, đã có những khách hàng mới đặt vấn đề hợp tác, tiêu thụ sản phẩm của DN.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, cho hay tham gia phiên chợ hàng Việt bà được biết đến sản phẩm độc đáo đất sét nung của Bình Dương. Đối với các sản phẩm sản xuất từ mây, tre, lá đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, giá thành chỉ từ 250.000-400.000 đồng/sản phẩm, phù hợp túi tiền của nhiều khách hàng. Bà đã chọn mua một số sản phẩm mình yêu thích.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, phiên chợ hàng Việt là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm thế mạnh, đặc trưng địa phương. Sở Công thương tiếp tục triển khai các giải pháp để đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa mạnh mẽ hơn, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường. Trong đó, sở lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh của địa phương để xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường mới. Ngoài nhiệm vụ kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước, Sở Công thương luôn tạo cơ hội cho các DN giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh, thị trường xuất khẩu.
THANH HỒNG