Phiên tòa giả định, hiệu quả thiết thực

Cập nhật: 22-11-2014 | 10:02:55

Thời gian qua, Tỉnh đoàn luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên công nhân (TNCN). Vừa qua, tại xã Lai Hưng và Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), Tỉnh đoàn phối hợp với trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm TNCN bằng hình thức xem phiên tòa giả định, kịch tuyên truyền và tư vấn pháp luật tại chỗ...

Cảnh báo từ tình huống giả định

Dù buổi trưa nắng khá gay gắt nhưng tại các phiên tòa giả định do Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức, vẫn có đông đảo TNCN đến xem. Đối với TNCN, việc được xem các “phiên tòa” kiểu này còn khá mới mẻ nhưng đầy thú vị vì sức lôi cuốn từ các tình huống giả định. Từ “chủ tọa phiên tòa”, “hội thẩm nhân dân”, “đại diện viện kiểm sát”, “thư ký phiên tòa” đến những người tham gia “tố tụng” như “luật sư”, “bị cáo”, “người bị hại”, “người làm chứng” đều được các sinh viên Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh đóng vai, diễn xuất.

Phiên tòa giả định giúp TNCN nâng cao ý thức pháp luật từ các tình huống giả định nhưng gần gũi với đời sống hàng ngày. Ảnh: N.NHƯ

Đến giờ chính thức bước vào “phiên tòa”, không khí trang nghiêm bao trùm khu vực “xử án”. Mọi người đều giữ trật tự để theo dõi quá trình xét xử. “Phiên tòa” ngày hôm ấy xét xử “bị cáo” tên là Mạnh. Vì một phút nông nổi, Mạnh đã ra tay sát hại một mạng người. Xuất phát từ một mâu thuẫn, người bạn của Mạnh vốn làm công nhân cùng công ty với một người tên là Nguyệt, đã nhờ Mạnh vào gặp chị Nguyệt để hăm dọa, răn đe. Tuy nhiên, vừa bước chân vào công ty, với thái độ hung hăng của mình, Mạnh đã bị anh Phong, người cùng công ty chị Nguyệt ngăn cản. Tức giận vì bị cản trở, Mạnh đã dùng thanh sắt đánh mạnh vào đầu khiến anh Phong tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, Mạnh đã đến cơ quan công an đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Mạnh đã thành khẩn khai nhận hành vi tội lỗi của mình, nhưng không thể thoát khỏi bản án cao nhất của pháp luật là tử hình!

Và những bài học được rút ra

“Phiên tòa” hôm ấy được người xem, chủ yếu là TNCN chăm chú theo dõi từng tình tiết của “vụ án”. Người thì xót thương cho gia đình anh Phong khi mất đi trụ cột chính, vợ anh Phong cùng 2 con nhỏ thời gian tới sẽ lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn. Bên cạnh đó, mọi người cũng lên án hành vi của Mạnh, kèm với đó là sự tiếc nuối cho “bị cáo” vì một phút nông nỗi mà đánh mất tương lai, bỏ lại vợ và con nhỏ bơ vơ...

“Phiên tòa” đã nêu bật lên vấn đề: Chỉ vì nghe lời bạn xúi giục, thiếu kềm chế mà gây ra cái chết thương tâm cho người vô tội, gây nỗi mất mát lớn cho gia đình người bị hại. Những hành động đó là trái chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Từ tình huống trên, TNCN có thể soi vào những trường hợp thực tế rất dễ xảy ra trong đời sống thường ngày. Các mâu thuẫn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nếu thiếu nóng giận, kiềm chế và có những hành động vi phạm pháp luật sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Chị Lê Thị Sơn, Chi hội trưởng Chi hội nữ TNCN Minh Thành, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, cho biết: “Với công việc hiện tại là bảo vệ công ty, mỗi ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều người và đã gặp nhiều sự cố tương tự như trường hợp phiên tòa giả định hôm nay. Từ “phiên tòa” này, tôi học hỏi được nhiều điều, quan trọng nhất là cách kiềm chế cảm xúc bản thân, không để những tình huống xấu xảy ra tại công ty cũng như nơi ở. Đồng thời, tôi sẽ tuyên truyền ý thức pháp luật cho các bạn TNCN tại chi hội mình…”. Còn chị Đặng Thị Kim Quyên, một TNCN làm việc tại Công ty TNHH Jimmy Hùng Anh Food, nói: “Phiên tòa này thật sự bổ ích vì tuy là phiên tòa giả nhưng những tình huống, câu chuyện giống như nhiều tình huống ngoài đời, diễn ra sống động trước mắt người xem, giúp mọi người dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn là đọc sách báo, xem panô, áp phích tuyên truyền…”.

Phiên tòa giả định với những con người giả định nhưng đã để lại những bài học thật cho TNCN, giúp họ nhận biết về hậu quả và sự trả giá quá đắt do thiếu hiểu biết và không chấp hành các quy định của pháp luật cũng như việc thiếu kiềm chế trước mọi tình huống trong cuộc sống; cảnh báo TNCN về những hành vi vi phạm pháp luật là không bao giờ thừa.

Ngoài xem phiên tòa giả định, TNCN còn được xem kịch tuyên truyền về các quy định của Luật Lao động. Đặc biệt, TNCN còn được tư vấn luật miễn phí về Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình. Qua đó, TNCN đã đặt ra nhiều câu hỏi về các vấn đề như chế độ thai sản đối với người lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm, ngày nghỉ phép… Tất cả những thắc mắc này đều được các giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM trả lời một cách thỏa đáng.

 

N.NHƯ

Chia sẻ bài viết
nhà tôi có chuyện xảy ra xô xát , cháu mất dạy rượt đánh cô chú , tôi muốn đem vào xét xử giả định để cảnh báo cho mọi người , cháu mất dạy, bạo lực trong gia đình
bành lại thiên hương (Cách đây 10 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1260
Quay lên trên