Phiên toàn thể Horasis Bình Dương 2018: Triển vọng kinh tế 

Cập nhật: 26-11-2018 | 14:48:59


Toàn cảnh phiên họp toàn thể Triển vọng kinh tế.
Ảnh: HOÀNG PHẠM

(BDO) Sáng 26-11, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Horasis 2018, phiên họp toàn thể với chủ đề “Triển vọng kinh tế” đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh. Tham dự phiên họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bình Dương; lãnh đạo cấp cao và giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) đến từ nhiều quốc gia cùng với lãnh đạo và CEO của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tại phiên họp này, các diễn giả gồm ông Juan Jose Guemes, Chủ tịch Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, IE Business School (Tây Ban Nha); ông Rajive Kaul, Chủ tịch Nicco Group (Ấn Độ); ông Don Lam, CEO kiêm Nhà đồng sáng lập VinaCapital Việt Nam; bà Diana Mao, Chủ tịch NomiNetwork (Hoa Kỳ); ông Phạm Hồng Hải, CEO HSCB Việt Nam đã tập trung trao đổi về triển vọng kinh tế châu Á, hiện trạng của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, bản chất thay đổi của nền kinh tế toàn cầu có ý nghĩa gì đối với kinh doanh ở châu Á và ngược lại, tác động của châu Á đối với tăng trưởng toàn cầu…


Các diễn giả thảo luận về vấn đề kinh tế khu vực và toàn cầu và sự ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Á.
Ảnh: HOÀNG PHẠM

Các diễn giả cho rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt các thách thức, khu vực châu Á vẫn đang tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó dự báo sẽ duy trì vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu trong những năm tiếp theo. Hiện nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang nỗ lực cải cách thương mại và cơ chế đầu tư, ưu tiên quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính công và quản trị khu vực công. Tuy nhiên, các diễn giả cũng cho rằng, về lâu dài cho dù được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển, song châu Á cần có những đối sách phù hợp để giải quyết những thách thức nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng. Một số thách thức đặt ra đó là năng suất trì trệ, thách thức về dân số, đói nghèo, đô thị hóa; mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; những rủi ro tiềm ẩn, xung đột địa chính trị. Nổi lên vấn đề gần đây là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo các diễn giả, nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sẽ gây tác động đến nền kinh tế và thương mại thế giới cũng như mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Diana Mao, Chủ tịch NomiNetwork (Hoa Kỳ), cho biết hiện nay nữ giới trên thế giới ngày càng có trình độ. Bà tin rằng nữ giới là một  trong những lực lượng lao động lớn của nền kinh tế và sẽ ngày càng tham gia nhiều hơn; tạo chuyển dịch phát triển kinh tế.

Tại phiên họp, các diễn giả cũng trình bày những thuận lợi, thách thức tác động của một số quốc gia trong xu thế phát triển mới của châu Á và thế giới. Đề cập đến tình hình kinh tế Việt Nam, các diễn giả cho rằng về ngắn hạn, kinh tế Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, về lâu dài việc cải thiện tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đòi hỏi phải khắc phục các vấn đề về cơ cấu kinh tế và tăng khả năng chống đỡ với các rủi ro.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=537
Quay lên trên