Philippines: Ông "Bongbong" Marcos liệu có nối tiếp cha mình?

Cập nhật: 24-12-2021 | 08:20:38

Cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines hiện đang là cuộc chạy đua của hai ứng cử viên chính: Ông Ferdinand Marcos Jr., còn có biệt danh là "Bongbong", là con trai của nhà lãnh đạo - cố Tổng thống Ferdinand Marcos và bà Sara Duterte - Carpio, con gái của Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo khảo sát, số phiếu ủng hộ ông Ferdinand Marcos Jr. hiện đang vượt tổng số phiếu của tất cả các ứng viên đối thủ của ông cộng lại.

Đến tháng 5-2022, cuộc bầu cử Tổng thống Philippines mới diễn ra nhưng đường đua đã bắt đầu "nóng" từ bây giờ. Khảo sát cho hay cứ 5 người Philippines thì có 3 người nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Marcos. Trong khi đó, mới đây, bà Sara Duterte - Carpio lại đưa ra tuyên bố sẽ không tranh cử tổng thống theo thống nhất với cha mình, ông Duterte. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, rất có thể đó chỉ là một chiêu thức, vốn đã từng được cha bà sử dụng để kích thích sự ủng hộ của cử tri.

Ông Bongbong Marcos trong vòng vây người hâm mộ.

Ngày 20-10-2021, khi ông Bongbong Marcos đến dự lễ cắt băng khánh thành triển lãm ảnh kỷ niệm quan hệ Trung Quốc - Philippines tại Đại sứ quán Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên đã đăng một bài viết trên Facebook: "Thật vinh dự khi ngài Bongbong Marcos cùng tôi tham dự buổi lễ này. Chúng tôi luôn trân trọng và đề cao những  người bạn cũ, chúng tôi hy vọng rằng người dân hai nước ngày càng ủng hộ việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác, để có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước và tiếp nối tình hữu nghị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác".

Lời kêu gọi này đã gây quan ngại cho những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines cũng như các nhà hoạch định chính sách, khiến họ phải lên tiếng cảnh báo rằng ông Bongbong Marcos liệu sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại thân Trung Quốc nhưng rốt cuộc lại là tự chuốc lấy điều không hay như ông Duterte trước đây hay không?

Các nhà phân tích cho rằng, qua những gì họ nhận được, dường như ông Bongbong vẫn chưa thấu được hết những bất lợi mà chính sách của ông Duterte trước đây đem lại. Khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Duterte hứa hẹn sẽ có hành động mạnh mẽ và khẳng định chủ quyền của Philippines trên một trong những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, ông này đã đột ngột xoay trục sang Trung Quốc. Và, để đổi lại sự ủng hộ của ông Duterte, Trung Quốc hứa sẽ gia hạn các khoản vay và viện trợ trị giá 24 tỷ USD để tài trợ cho 14 dự án trong khuôn khổ kế hoạch xây dựng lại cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Tổng thống Philippines khi ấy.

Chỉ có điều, 5 năm sau, hầu hết các dự án lớn này vẫn chưa khởi công hoặc chưa được phê duyệt và hiện chỉ có 3 dự án đang được xây dựng. Tác giả của nhiều công trình phân tích kinh tế Richard Heydarian nói: "Chúng tôi đã rơi vào một cái bẫy cam kết - nó còn tệ hại hơn bẫy nợ. Và họ (Trung Quốc) đang thu được nhiều lợi ích hơn số tiền họ thực sự bỏ ra!".

Tuy nhiên, cũng theo một số nhà phân tích, nếu đã vội coi ông Bongbong là người sẽ đi vào "vết xe đổ" của người tiền nhiệm thì sẽ là hơi quá. Ông chưa thực sự nói rõ cách ông nhìn nhận về Mỹ như thế nào một khi trở thành tổng thống bởi vẫn còn quá ít những công bố công khai. Ông cũng là người hiếm khi tổ chức họp báo hay trả lời phỏng vấn trực tiếp.

Ông Bongbong đang bắt tay vào chiến dịch tranh cử với lời hứa sẽ tiếp nối di sản của cha mình. Trên thực tế, ông đã và đang lợi dụng nét tương đồng với cha mình để thu hút cử tri. Ông có cách nói chuyện giống Marcos "cha", mặc dù vẫn còn những so sánh về tài hùng biện.

Trong suốt nhiều thập kỷ, sau khi gia đình Marcos trở về nước, ông Bongbong đã hoạt động chính trị tích cực hơn ở địa phương. Là Thống đốc tỉnh Ilocos Norte - thành trì chính trị của gia đình - trong 9 năm, ông được tôn vinh là người tạo ra các vùng tăng trưởng và mở đường cho tỉnh này đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng gió. Tuy nhiên, ông Bongbong Marcos lai tỏ ra mờ nhạt với tư cách là một nhà lập pháp và ông không thực sự có lập trường hay sự ủng hộ đặc biệt nào giúp ông có vị trí đặc trưng trên chính trường trong nước và quốc tế. Ông cũng không nêu quan điểm về thương mại toàn cầu, các liên minh an ninh khu vực và nhân quyền. Ông hầu như tán thành với chiến lược chống đại dịch COVID-19 của chính quyền ông Duterte.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng, đó là sự cân nhắc và tính toán của ông, nhằm không khiến người khác khó chịu và bản thân ông không bị dồn vào chân tường. Điều đó có thể mở ra cơ hội cho Mỹ, vì ông Bongbong về cơ bản là một "trang giấy trắng" hoặc ít nhất là người đang để ngỏ khả năng hành động, dù ở một mức độ nhỏ.

Giáo sư De Castro, chuyên gia đến từ Đại học De La Salle, cho rằng ông hy vọng tổng thống tiếp theo của Philippines, dù là ai, cũng sẽ ý thức được rằng cần phải có thái độ nghiêm khắc hơn đối với tình hình hiện tại, để tạo một mối quan hệ cân bằng hơn, đặc biệt là với Trung Quốc. Ông nói: "Thách thức then chốt là thay đổi chính sách của chính quyền hiện tại thành một chiến lược lớn chính thức toàn diện và được cân nhắc kỹ lưỡng... Định hướng an ninh nên tập trung vào lĩnh vực như hàng hải, phát triển lực lượng đủ mạnh, chứ không phải là các vấn đề nội tại như khủng bố, ma túy, tội phạm...".

Theo giáo sư De Castro, điều này này sẽ kéo theo việc tham gia tích cực hơn vào các nhóm đa phương trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nâng tầm vị thế của đất nước Philippines trong tương lai.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên