Phim lịch sử cuốn theo cơn lốc: “Cuộc chiến” không cân sức

Cập nhật: 25-04-2010 | 00:00:00

Chưa bao giờ phim lịch sử lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Hàng chục dự án đã và đang được đưa vào thực hiện, hàng trăm tỷ đồng đổ ra cho việc sản xuất phim lịch sử. Dư luận đặt câu hỏi: nếu không có đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề làm phim lịch sử có trở nên cấp thiết như thế không?

 

 

Cảnh trong phim “Tây Sơn hào kiệt”

 

Né từ “lịch sử”

 

Khi cả nước kỷ niệm sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hoạt động làm phim lịch sử trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ nhà nước làm phim lịch sử, tư nhân cũng nhảy vào cuộc, không chỉ phim truyện nhựa, phim truyền hình cũng chạy đua đề tài lịch sử. Dù không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu, làm phim lịch sử lúc này sẽ được ưu tiên phát sóng.

 

Rõ ràng, dù lý do gì thì dịp này cũng được xem là “cú hích” cho dòng phim lịch sử Việt Nam. Khán giả sẽ có dịp thưởng thức những bộ phim mang đề tài lịch sử, hiểu thêm về lịch sử dân tộc thông qua con đường phim ảnh.

 

Điểm sơ sơ hiện nay có trên dưới chục bộ phim mang tính lịch sử đã và đang được sản xuất. Phim truyền hình đang phát sóng có “Vó ngựa trời Nam”, phim truyện nhựa chuẩn bị công chiếu dịp 30-4 có “Tây Sơn hào kiệt”, “Nhìn ra biển cả”. Phim đang trong giai đoạn hoàn tất có “Long Thành cầm giả ca” (nhựa), “Những lá thư từ Sơn Mỹ” (nhựa), “Thái sư Trần Thủ Độ” (truyền hình dài tập), “Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long” (truyền hình dài tập). Những dự án phim truyền hình đang chuẩn bị bấm máy “Huyền sử Thăng Long”, “Thái tổ Lý Công Uẩn”. Chưa kể phim truyện nhựa có các kịch bản: “Chiếu rời đô”, “Khát vọng Thăng Long”…

 

Rõ ràng làm phim lịch sử nhưng nếu hỏi dường như chẳng ai thừa nhận mình đang làm phim lịch sử. “Lịch sử” là một từ nhạy cảm, là điều dễ gây tranh cãi, đúng sai. Nếu đã vậy tốt nhất nên đặt cho nó một danh xưng khác để… né, khỏi nhức đầu. Đây chính là quan niệm của những nhà làm phim hiện nay đang thực hiện những bộ phim mang tính sử.

 

Tổng đạo diễn Lý Huỳnh của bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” gọi câu chuyện về vị vua áo vải Nguyễn Huệ của mình là “dã sử”, mặc dù ông cho biết đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng chi tiết trong phim, có mời những nhà nghiên cứu tới để tư vấn…

 

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn gọi câu chuyện về “các nhân vật lịch sử như Thái tổ Lý Công Uẩn, vua Lê Đại Hành, thiền sư Vạn Hạnh, vua Lê Long Đĩnh… đều được xây dựng đúng tầm vóc, có đời sống thực giữa các mối quan hệ vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ, thầy trò… trong bối cảnh lịch sử đặc biệt” của mình là “huyền sử”.

 

Hay “Dòng máu anh hùng” một bộ phim võ thuật hấp dẫn của Việt kiều xuất phát từ hình tượng những cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược, hai nhà biên kịch Minh Trí và Thanh Trúc cho biết đã mất hơn cả năm tìm kiếm tư liệu, sách truyện, hình ảnh về giai đoạn lịch sử này để viết nên câu chuyện phim từ những chi tiết, con người lịch sử có thật.

 

Lắm tranh cãi...

 

Ngay từ khi vừa có thông tin xuất hiện dự án làm phim này hay phim nọ về đề tài lịch sử, không ít cơ quan chức năng đã nhận được những “công trình” của các nhà nghiên cứu gửi tới, trình bày về việc nhân vật lịch sử này “xứng đáng” hoặc “không xứng đáng”, “có công”, hoặc “có tội” với đất nước. Quá trình thực hiện phim lại càng rắc rối hơn. Bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” chưa biết sẽ thành công hay không, song nó đang trở thành một phim gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử làm phim Việt Nam.

 

Gần đây nhất là việc đoàn phim bị lên án “Xúc phạm nơi tôn nghiêm” tại lăng thờ tự vua Minh Mạng ở Huế.

 

“Lý Công Uẩn - đường đến Thăng Long” cũng là một bộ phim trong “tầm ngắm” của dư luận suốt thời gian qua. Đây là phim hợp tác với Trung Quốc, có nhiều cảnh quay được thực hiện ở phim trường Trung Quốc và có cả diễn viên Trung Quốc đóng.

 

Hàng loạt ý kiến tranh cãi nổ ra trên các diễn đàn rằng “nhân vật lịch sử Việt Nam đã bị Trung Quốc hóa”, rằng các nhà làm phim đã xúc phạm lịch sử…

 

Nếu coi làm phim lịch sử là một sự thử thách, thì riêng ở Việt Nam sự thử thách tăng lên gấp ngàn. Lý do là bản thân các tài liệu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cũng có nhiều cách nhìn không giống nhau. Cùng một sự kiện nhưng đâu mới là sự thật lịch sử, bản thân các nhà nghiên cứu sử học còn tranh cãi, làm sao tránh khỏi việc một kịch bản phim, bộ phim bị đem ra “mổ xẻ”.

 

Xem ra khi đề cập đến vấn đề làm phim lịch sử không bên nào là không có lý. “Tinh hoa dân tộc cần được tôn trọng”, “một nửa bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật” - đó là vấn đề mà các nhà sử học đưa ra. Nhưng với các nhà làm phim thì “phim truyện là có quyền hư cấu. Nếu chỉ bám sát sự thật lịch sử thì phim sẽ thiếu tính hấp dẫn, khán giả sẽ không xem...”.

 

Nỗ lực chèo chống

 

Một nhà làm phim lão luyện như gia đình nghệ sĩ Lý Huỳnh với gia tài trên dưới 30 bộ phim, thế nhưng chính ông cũng không khỏi “run bắn lên” khi mang bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” từ Sài Gòn ra Hà Nội để duyệt thông qua.

 

Việc bỏ ra 12 tỷ đồng để làm phim là một sự mạo hiểm lớn đối với một tư nhân. Có lẽ kinh nghiệm của gia đình Lý Huỳnh khi làm bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” đáng để nhiều đoàn phim làm bằng kinh phí nhà nước phải học tập.

 

“Chỉ cần nói làm phim về anh hùng dân tộc là chúng tôi được ủng hộ. Tinh thần dân tộc của người dân mình rất cao”. Đó là lý do đoàn phim của ông có được 20.000 diễn viên quần chúng trong phim, tạo nên khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

 

“Bối cảnh đồn Ngọc Hồi chúng tôi quay tại Củ Chi. Tôi đích thân đi gặp người chủ của 100 mẫu đất là anh Lê Anh Kiệt và trình bày ý định xin được dựng bối cảnh đồn Ngọc Hồi. Anh ấy xin lại bản vẽ và nói chúng tôi yên tâm về, đến hẹn thì đến quay. Khi chúng tôi quay lại, đồn Ngọc Hồi đã được dựng với thiết kế y như bản vẽ, và chúng tôi không tốn một xu”. Và còn nhiều nữa những sự giúp sức từ các địa phương, nhân dân mà đoàn phim đi qua.

 

Việc sản xuất phim lịch sử rõ ràng đã bắt đầu khởi sắc.

 

Một dòng phim khó nhưng đã được liên kết sản xuất, xã hội hóa sản xuất và tư nhân sản xuất, chứng tỏ dòng phim này sẽ có khả năng phát triển tốt. Vấn đề còn lại là việc nhà nước tạo điều kiện, là sự cảm thông, ủng hộ của công chúng và tâm huyết thực sự của những nhà làm phim để Việt Nam có được những bộ phim lịch sử xứng đáng.

 

 Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên