Phim Việt trên màn ảnh nhỏ: Khi số lượng tỉ lệ nghịch với chất lượng

Cập nhật: 24-03-2010 | 00:00:00

 

Đơn cử như 2 bộ phim đang “chia sóng” giờ vàng trên kênh VTV3: Những thiên thần áo trắng và  Bí mật  Eva.

 

Chất lượng không cao vì sao?

 

Theo sự lý giải của chính những người làm nghề thì nguyên nhân của việc chất lượng phim Việt giảm sút có phần từ chính  sự tích cực mà xã hội hóa sản xuất đem lại. Khi các Đài TH đặt hàng các đơn vị xã hội hóa làm phim, số lượng phim tăng nhanh với tốc độ chóng mặt, trăm hoa đua nở, ai cũng có thể nhảy vào làm phim; các đơn vị truyền thông vốn chỉ quen việc trao đổi bản quyền các chương trình game show, tổ chức sự kiện cũng lập tức chuyển hướng sang làm phim vì nhìn thấy lợi nhuận thu được và cả “sự lỏng lẻo” về quản lý sản xuất phim.

 

Trước đây, những người làm nghề đã lo ngại: đặt hàng sản xuất như vậy thì lấy đâu ra người làm phim, đâu ra đạo diễn vì trên mặt bằng chung về nhân sự, người làm phim có nghề rất dễ dàng điểm mặt chỉ tên ai làm được phim hay.

 

Phim Bí mật  Eva

 

Nhưng khi bung ra sản xuất phim XHH, các đạo diễn biết nghề làm phim không hết việc, dự án nọ nối tiếp dự án kia. Người có bản lĩnh thì tặc lưỡi bảo: làm đi, kiếm tiền thôi vì cơ hội làm phim kiểu này cũng nhanh chóng qua mau, dại gì bỏ lỡ thời cơ kiếm tiền. Lúc trước làm phim còn  biết sợ khán giả chê, anh em trong nghề đánh giá kém nếu phim dở, nên thẳng thắn từ chối những kịch bản không hứa hẹn làm được một phim chất lượng.

 

Giờ thì nhận hết, kịch bản dở quá thì sửa chữa một chút để đỡ thấy xấu hổ, chưa kể việc: có muốn sửa, đưa ý kiến về xử lý câu chuyện để biên kịch viết lại thì nhà sản xuất đã can thiệp là kịch bản được duyệt rồi cứ thế mà làm, nhà tài trợ yêu cầu như thế mới tài trợ.

 

Mặt khác, khi chọn diễn viên cũng phải tuân theo quy tắc: bên cạnh một số vai diễn đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhân vật phù hợp thì phải chấp nhận một số gương mặt đang hot, đang được dư luận quan tâm (vốn thường là lắm chuyện lùm xùm hay dở đủ cả) để sau này PR phim cho dễ...

 

Đồng thời vì đội ngũ làm phim hạn chế nên nhà sản xuất bắt đầu lựa chọn các phương án 2: chủ động bổ sung đạo diễn từ người làm sân khấu, từ người làm phim tài liệu, từ bầu sô ca nhạc...

 

Chính thái độ làm phim của các đơn vị XHH và cách quản lý đặt hàng sản xuất của một số Đài TH thiếu sự giám sát chặt chẽ về chuyên môn đã khiến các phim TH được sản xuất nhanh, vội, vừa quay vừa dựng vừa phát sóng, cứ thế ào ào lên sóng...

 

Tất cả được biện minh bằng một kết quả thương mại: Đem lại lợi nhuận vì cứ mỗi tập phim phát sóng là đơn vị XHH phải tự lo book quảng cáo, nhà đài có lãi.

 

Đến bây giờ có thể đặt câu hỏi: Việc lãi đó có tỉ lệ thuận với giá trị thẩm mỹ về nghệ thuật mà bộ phim đó khi phát sóng phim vào giờ vàng đem lại cho khán giả? Cái hại chưa thấy ngay nhưng người làm nghề tâm huyết, khán giả có trình độ đang thấy rõ, lâu dài các bộ phim ấy sẽ làm hàng triệu khán giả bị “u mê” bởi rất nhiều câu chuyện tầm phào, lời tán tỉnh lăng nhăng trong các cảnh phim... Còn nền phim ảnh thì tạo ra sự ngộ nhận về một loạt tài năng, gương mặt, làm nhiều, liên tục nhưng đọng lại chẳng có gì.

 

Người thẩm định... vô can?

 

Trong một cuộc chuyện xoay quanh chất lượng phim truyền hình, một lão nhà văn được nhà đài mời thẩm định kịch bản phim XHH phàn nàn: “Có những kịch bản quá dở, tôi phê không đạt nhưng sau đó vẫn thấy lên sóng, ví như: Đại gia đình của Hãng Phước Sang. Chạnh lòng nghĩ, chắc ý kiến của mình chỉ để nhà đài  tham khảo”.

 

Từ ý kiến của lão nhà văn nọ, qua tìm hiểu được biết, việc thẩm định kịch bản thường có một hội đồng đọc các đề cương và một số kịch bản ban đầu. Nhưng làm phim là cả một dây chuyền liên quan chặt chẽ và chịu tác động rất lớn từ tài năng của người sáng tác, nhất là ê kíp làm phim tại hiện trường, việc tổ chức các cảnh quay thế nào, dựng phim ra sao...

 

Rất tiếc, việc thẩm định các yếu tố quan trọng đó đang không phải do những người có nghề và kinh nghiệm làm phim kiểm soát để phát hiện ra tay nghề.

 

Đọc kịch bản phim để thẩm định chẳng khác gì đọc một cuốn tiểu thuyết, biết nội dung, biết tình huống nhưng từ lời kể văn học đến xử lý bằng ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh... là cả một chặng đường dài và phụ thuộc nhiều vào kỹ năng nghề nghiệp của đạo diễn. Hiện nay, có cảm giác như trên cơ sở kịch bản ấy, diễn viên cứ đọc hết lời thoại là xong và nhà sản xuất dành thời gian lo tìm tài trợ quảng cáo, phim hay dở chỉ là thứ quan tâm sau đó. Mặt khác, một hội đồng  thẩm định  kịch bản thường có 6-7 người và các thành viên độc lập đưa ý kiến nhận xét, chủ tịch hội đồng sẽ quyết. Vì thế,  việc ý kiến mình không duyệt nhưng kịch bản vẫn được OK  vì... còn có các ý kiến khác nữa (?).

 

Tuy nhiên thực tế hiện nay một số phim không qua hội đồng thẩm định vẫn lên sóng vì cơ chế cho phép Phòng Biên tập chương trình được chủ động khai thác phim và các chương trình. Do vậy hay, dở lại còn  phụ thuộc vào phía người được giao quyền khai thác nữa.

 

Tại cuộc hội thảo bàn về trách nhiệm của nghệ sĩ tổ chức tại Hà Nội  mới đây, NSND Huy Thành khá bức xúc: “Chất lượng phim truyền hình và sự dễ dãi trong quan niệm làm nghề, trong công tác thẩm định đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Có nhiều phim không đáng phát sóng vẫn được phát và chiếm sóng triền miên; có những phim quay 1,5 ngày/tập; đạo diễn ra trường quay  chỉ có đề cương kịch bản vẫn làm. Cách làm này đã và sẽ hủy hoại công việc của đạo diễn cũng như những người làm nghề khác. Để cạnh tranh với phim ngoại, để tôn vinh phim Việt, dễ dãi không phải là giải pháp đúng”. 

(Theo Văn Hóa)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên