Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Các doanh nghiệp, người lao động cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm

Cập nhật: 29-03-2013 | 00:00:00

“Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Đó là chủ đề của Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ 15 của tỉnh chính thức phát động vào sáng nay (29-3) tại sân trước Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu và Xây dựng Bình Dương. Nhân Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15-2013, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) về Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN Huỳnh Văn Nhị xoay quanh những nội dung này. 

 Đông đảo người lao động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN năm 2012

 - Thưa ông, Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15-2013 với chủ đề “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, mục đích và yêu cầu chủ đề năm nay như thế nào?

- Việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15-2013 nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ-PCCN; đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, hướng tới “Tăng cường và phát triển văn hóa an toàn trong lao động”, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và là một sự kiện quan trọng hưởng ứng Ngày thế giới về ATVSLĐ tại nơi làm việc hàng năm (28-4). Việc tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN phải bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm và hướng về cơ sở trực tiếp sản xuất; thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo người sử dụng lao động, người lao động và toàn thể xã hội vào công tác ATVSLĐ-PCCN.

- Trong những năm qua, Bình Dương thực hiện khá tốt công tác ATVSLĐ-PCCN nhưng số vụ TNLĐ, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp vẫn còn ở mức cao. Vậy nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Trong những năm qua, công tác ATVSLĐ-PCCN đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và rộng khắp. Tuy đã đạt một số kết quả nhưng tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ vẫn chưa giảm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất, hạnh phúc gia đình của người bị TNLĐ. Thực tế có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thật sự quan tâm đầy đủ đến việc hướng dẫn, huấn luyện và trang bị những bảo hộ cần thiết cho người lao động để hạn chế ngăn chặn TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ; công tác thanh tra, kiểm tra các ngành, các cấp chưa được thường xuyên, kịp thời; công tác quản lý về bảo hộ lao động, ATVSLĐ-PCCN chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong quá trình hội nhập, những hành vi vi phạm về ATVSLĐ-PCCN đã được xử phạt hành chính nhưng mức phạt còn thấp nên mức độ răn đe chưa cao.

- Thưa ông, số vụ TNLĐ xảy ra trong lĩnh vực xây dựng và khoáng sản có nguy cơ ngày càng tăng. Vậy với chủ đề năm nay, tỉnh có biện pháp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý để bảo đảm ATVSLĐ- PCCN đối với doanh nghiệp ở lĩnh vực này?

- Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh, cùng các ngành, các cấp và các doanh nghiệp đã quan tâm tập trung cho công tác ATVSLĐ-PCCN, nhưng tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ vẫn chưa giảm, các vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng và khoáng sản còn xảy ra nhiều. Thường trực BCĐ Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ- PCCN đã ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ngành, Ban Quản lý khu công nghiệp, các huyện, thị, thành phố và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN; chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động và quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ, thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (đặc biệt chú ý đến lĩnh vực dễ xảy ra TNLĐ như xây dựng, khoáng sản). BCĐ tuần lễ quốc gia đã chỉ đạo các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác ATVSLĐ- PCCN trước, trong và sau tuần lễ quốc gia. Thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các doanh nghiệp về ATVSLĐ-PCCN, tập trung vào các khu vực trọng điểm, các đơn vị có nguy cơ cao như xây dựng, khoáng sản. Qua đó xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSLĐ-PCCN gây hậu quả nghiêm trọng.

- Xin cảm ơn ông!

 Trong năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 446 vụ TNLĐ, tăng 76 vụ so với năm 2011 (tăng 20,54%), làm 450 người bị nạn. Trong đó, có 29 vụ tai nạn chết người, làm 33 người chết, 34 người bị thương nặng. Trong năm, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 114 vụ cháy, nổ đã làm chết 8 người và làm bị thương 10 người, thiệt hại về tài sản hơn 61 tỷ đồng.

 

 

 VĂN SƠN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=390
Quay lên trên