Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một Lâm Phi Hùng: Phát triển đô thị văn minh đi cùng với xây dựng cộng đồng văn hóa

Cập nhật: 15-08-2014 | 15:00:50

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định công nhận TP.Thủ Dầu Một là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây vừa là niềm vui, vừa là điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành đô thị loại I theo hướng văn minh, hiện đại.

Phong trào làm đường giao thông kết hợp chỉnh trang đô thị vừa phát huy tình đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong cộng đồng; vừa góp phần mang lại bộ mặt đô thị văn minh Ảnh: D.CHÍ

- Xin ông cho biết cảm xúc, suy nghĩ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trước quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận TP.Thủ Dầu Một là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương?


Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một Lâm Phi Hùng

- TP.Thủ Dầu Một được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ đô thị loại III lên đô thị loại II trực thuộc tỉnh vừa là niềm vui, sự khích lệ và ghi nhận công lao phấn đấu, xây dựng của chính quyền, người dân thành phố; vừa là điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, tiến tới một đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trước khi Thủ tướng ra quyết định công nhận, bộ hồ sơ đề nghị của thành phố phải qua rất nhiều khâu; trong đó có khâu thẩm duyệt của Bộ Xây dựng để thông qua Hội đồng chấm chọn trước khi trình lên Thủ tướng phê duyệt, quyết định. Điều đáng nói là, lần đầu tiên Hội đồng chấm chọn cho TP.Thủ Dầu Một có số điểm cao hơn số điểm do địa phương tự chấm. Điều này nói lên sự quyết tâm, phấn đấu, xây dựng một môi trường sống, làm việc thân thiện, văn minh, hiện đại không chỉ với TP.Thủ Dầu Một mà cả tỉnh Bình Dương trong tương lai. Cụ thể,TP.Thủ Dầu Một đạt 40/47 tiêu chí của đô thị loại II, trong đó có nhiều tiêu chí đã vươn đến mức đô thị loại I; tuy nhiên cũng còn một số hạn chế, cần phấn đấu.

Kết quả trên cũng phù hợp với lộ trình xây dựng và phát triển thành phố theo Nghị quyết 32 của Tỉnh ủy về việc ưu tiên xây dựng đô thị Thủ Dầu Một trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

- 3 tiêu chí còn hạn chế là gì thưa ông?

- Đầu tiên là mật độ dân số đô thị. Hiện tại mật độ dân số của TP.Thủ Dầu Một là 5.300 người/km2, trong khi yêu cầu phải đạt từ 8.000 - 10.000 người/km2. Điều này hoàn toàn khách quan do thành phố vừa điều chỉnh địa giới hành chính tăng thêm 1/3 diện tích, từ 8.000km2 lên 12.000m2. Tiếp đến là tỷ lệ ngõ hẻm phải đạt từ 55 - 80%. Thời điểm thành phố nộp hồ sơ tỷ lệ này mới đạt 47%, nhưng đến nay tỷ lệ này đã đạt và vượt yêu cầu nhờ 3 xã Tân An, Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp chuyển lên phường, nên được đầu tư ngân sách, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ hòa vào hệ thống giao thông chung của thành phố. Ngoài ra, thành phố phải có nhà tang lễ. Hiện tỉnh đã cho phép đầu tư xây dựng nhà tang lễ TP.Thủ Dầu Một với tổng vốn 40 tỷ đồng, rộng 1,5 ha tại phường Phú Mỹ.

 Một góc TP.Thủ Dầu Một Ảnh: D.CHÍ

- Yêu cầu phát triển dân số, nâng tỷ lệ thương mại - dịch vụ bằng với công nghiệp và thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động có dễ thực hiện được không, thưa ông?

- Đây là yêu cầu khó đối với thành phố, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, nhưng không có nghĩa là thành phố không làm được. Nhìn lại bức tranh đầu tư từ đầu năm đến nay cho thấy về phía tỉnh đã nghiêm túc đi đầu thực hiện điều đó chỉ với dự án Becamex Tokyu đã đạt kế hoạch cho cả năm. Nhưng tỉnh cũng phải phấn đấu tiếp để thu hút, mời gọi thêm những nhà đầu tư lớn, tầm cỡ khác, bảo đảm phát triển đúng định hướng, đúng quy hoạch. Thành phố đang xây dựng, phát triển không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai, nên đòi hỏi phải biết vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, phát huy tốt nội lực cùng tiềm năng sẵn có.

Với các nhà đầu tư không còn khả năng thành phố đề nghị thu hồi giao đơn vị khác nhằm làm thay đổi diện mạo đô thị. Bên cạnh đó thành phố cũng tăng cường công tác cải cách hành chính, sắp xếp và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất, hiệu quả nhất.

- Trong tiến trình phát triển đô thị có nhiều yêu cầu đặt ra cho thành phố, như: Vấn đề môi trường, áp lực giao thông, nhu cầu học tập, chữa bệnh... Thành phố có giải pháp gì để kiểm soát, kiềm chế và giải quyết những vấn đề trên?

- Đây vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm mà trong quá trình phát triển đô thị các cấp chính quyền phải đối mặt để giải quyết… Trước tình hình thực tế gia tăng dân số cơ học, đi đôi với nhu cầu phát triển của thành phố thì hệ thống hạ tầng giao thông, khám chữa bệnh, trường học, xử lý môi trường đã được quan tâm đầu tư, công nhận; có những tiêu chí còn vượt yêu cầu đề ra như hệ thống đèn chiếu sáng, thoát nước của hệ thống giao thông cơ sở. Điều này không chỉ thể hiện tầm nhìn của chính quyền trong việc quản lý, kiểm soát và hướng đến xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong cộng đồng người dân mà còn thể hiện sự trân trọng, bình đẳng giữa cư dân địa phương với người lao động ngoài tỉnh .

TP.Thủ Dầu Một là thành phố tỉnh lỵ làm nền tảng để phát triển một Bình Dương văn minh, hiện đại sau này. Trong tương lai, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; ước đến cuối năm 2014 thu nhập bình quân của người dân TP.Thủ Dầu Một là 74,3 triệu đồng/ người/năm. Thành phố phấn đấu duy trì và phát triển thu nhập của người dân cao hơn mức hiện tại.

- Xin cảm ơn ông!

 DUY CHÍ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1694
Quay lên trên