Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Xuân Trung: Chú trọng thu hút FDI vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực

Cập nhật: 18-03-2010 | 00:00:00

Không chỉ doanh nghiệp (DN) trong nước mà nhiều DN đầu tư nước ngoài hiện cũng đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực tại Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam sẽ cố gắng thu hút vốn FDI cho lĩnh vực đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho các ngành công nghiệp hiện đại... Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề nguồn nhân lực.

- Thưa ông vì sao trong những năm qua chúng ta chưa thu hút được vốn FDI vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực?

- Theo tôi, việc xúc tiến đầu tư nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này chưa thực sự mạnh mẽ. Thực tế cho thấy đây chưa phải là lĩnh vực gây được sự chú ý, quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, chúng ta có nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài như Nghị định 06/200/NĐ-CP điều chỉnh hoạt động của cơ sở giáo dục, đào tạo có vốn FDI; Nghị định 18/2001/NĐ-CP quy định về lập và hoạt động được phép của các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài không nhằm mục đích lợi nhuận tại Việt Nam... Các quy định này đã khiến cho việc phân định phạm vi hoạt động được phép của các cơ sở giáo dục, đào tạo có vốn FDI cũng như cơ quan quản lý các cơ sở này rất phức tạp, nhiều trường hợp không vận dụng được hoặc vận dụng không nhất quán.

Bên cạnh đó, Nghị định 06 được ban hành từ năm 2000 căn cứ vào Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhưng đến nay luật này đã được thay thế bằng Luật Đầu tư áp dụng chung cho cả đầu tư trong và ngoài nước. Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định phân cấp triệt để việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các địa phương, do vậy, trình tự và thủ tục đầu tư cũng thay đổi...

- Sắp tới chúng ta phải làm gì để khắc phục được những hạn chế về thu hút FDI cho đào tạo nguồn nhân lực?

- Sau 10 năm thực hiện các văn bản, nghị định nói trên chúng ta nhận thấy rằng nó không còn phù hợp với thực tế thay đổi như hiện nay, cho nên sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, chỉnh sửa lại Nghị định 06 làm sao tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, đào tạo công nghệ, đào tạo nghề và cả khí đốt...

Hiện chúng tôi đang phối hợp với nhiều bộ, ngành để cùng nhau nghiên cứu, điều chỉnh sao cho Nghị định 06 phù hợp hơn với những thay đổi thực tế để làm sao có những ưu đãi tốt hơn từ phía Nhà nước với nhà đầu tư. Chẳng hạn như về đất đai thì Nhà nước sẽ có những khoản ưu đãi cho nhà đầu tư, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với những người phục vụ trong các DN đào tạo. Mục tiêu là để thu hút được nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực đó và tôi cũng nói, tất cả các cuộc hội thảo hiện nay của chúng ta là nhằm vào những mục tiêu đã định, trong đó có đào tạo nghề. Cố gắng trong những năm tới, chúng ta phấn đấu đạt được con số 1,4 - 1,6 triệu lao động có công ăn việc làm hàng năm để phục vụ cho các DN, trong đó có cả DN đầu tư nước ngoài, có hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn và mang lại sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.

- Như vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực lao động phải được đặt lên hàng đầu?

Cả nước hiện có khoảng trên dưới 10 triệu lao động trong các DN trong và ngoài nước, riêng các DN FDI có khoảng trên 1,6 triệu lao động trực tiếp. Hiện nay, có sự chênh lệch khá rõ về mức lương giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang nghiên cứu rất kỹ các điều kiện phát triển, cũng như khó khăn của khối DN trong nước và nước ngoài. Chúng ta đang làm hết sức để làm sao đến năm 2012 thì khoảng cách này sẽ được xóa bỏ.

- Đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Từ nay đến đó chỉ còn có 10 năm nữa thôi, cho nên vấn đề đào tạo công nhân là phải được đặt lên hàng đầu và khi làm việc với các địa phương, nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề này cũng được mang ra thảo luận một cách rõ ràng và có định hướng.

Hiện nay các bộ, ngành đang đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch tổng thể về đào tạo nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2010. Theo đó, ngoài việc nâng cấp đầu tư hệ thống các trường đào tạo nghề hiện có lên ngang tầm khu vực và thế giới, sẽ phát triển thêm các trường đào tạo nghề và trung tâm đào tạo từ các nguồn vốn khác nhau. Mới đây, có công ty tuyển 100 nhân viên chuyên về công nghệ thông tin với yêu cầu không quá khắt khe nhưng chỉ tuyển được 2 người. Để có thể đáp ứng nhu cầu nhân sự cho ngành công nghệ thông tin, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến các trường đại học chuyên ngành trong nước để đặt hàng trước.

- Xin cám ơn ông!

KỲ TÂN (ghi)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên