Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm soát ô nhiễm nói riêng và công tác quản lý môi trường nói chung. Ngày 17-6-2010, UBND Bình Dương đã ban hành danh mục 77 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng cần xử lý. Để tìm hiểu rõ hơn việc xử lý các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).
- Xin bà cho biết tình hình khắc phục ô nhiễm tại các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Trong thời gian qua, cùng với sự hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đa số các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng đã quan tâm và cố gắng thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các biện pháp khống chế ô nhiễm còn chậm hơn so với yêu cầu, thậm chí một số cơ sở chưa triển khai khắc phục ô nhiễm. Tính đến thời điểm này, 30 cơ sở đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm, 43 cơ sở có thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm nhưng chưa đầy đủ và 4 cơ sở không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu. Các cơ sở không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu gồm Công ty TNHH Đồng Nai Long Châu, hộ kinh doanh cá thể Anh Tuấn, Công ty Cổ phần Sản xuất Thiên Sơn và Công ty TNHH Ván lạng mỏng ghép hình nghệ thuật Pro - Concepts.
- Hiện nay còn hơn 50% số cơ sở gây ONMT nghiêm trọng chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm, biện pháp xử lý đối với các cơ sở này ra sao?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi hiện đang tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm theo đúng tiến độ cho phép, cụ thể đối với 43 cơ sở có thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm nhưng chưa đầy đủ thì xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và gia hạn thời gian hoàn thành thêm 1 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Nếu quá thời gian gia hạn mà chưa hoàn thành khắc phục ô nhiễm thì đình chỉ hoạt động.
Đối với 4 cơ sở chưa thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm theo quy định thì xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường với tình tiết tăng nặng và đình chỉ hoạt động cho đến khi hoàn thành khắc phục ô nhiễm.
- Theo bà, những giải pháp nào cần sử dụng để nâng cao tỷ lệ các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng hoàn thành khắc phục ô nhiễm?
- Giải pháp quan trọng nhất để nâng cao tỷ lệ các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng hoàn thành khắc phục ô nhiễm đó là xử phạt nặng đối với những cơ sở chậm khắc phục, kiên quyết đình chỉ hoạt động sản xuất đối với những cơ sở không khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý môi trường cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra và hướng dẫn cho các cơ sở khắc phục ô nhiễm, đặc biệt là hướng dẫn về chuyên môn trong quá trình xây dựng, lắp đặt và vận hành các hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng khắc phục ô nhiễm, nhất là các cơ sở vừa và nhỏ.
Với việc xử lý kiên quyết cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi hy vọng các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng sẽ nhanh chóng hoàn thành khắc phục ô nhiễm theo tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
- Xin cám ơn bà!
MAI HUY