Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thanh Hà: Ngành y tế đã sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống dịch sởi xảy ra

Thứ hai, ngày 24/02/2014

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi tại một số tỉnh, thành và sự xuất hiện của bệnh sởi trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống bệnh sởi đang được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế…

- Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh sởi trong thời gian qua?

- Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em; bệnh lây từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh sởi xuất hiện quanh năm, nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Dịch sởi thường có tính chu kỳ từ 3 - 5 năm. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc-xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ bị bệnh sởi rất dễ mắc các bệnh khác kèm theo như viêm phổi, tiêu chảy… và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này.

Trong thời gian qua, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Sơn La. Dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp vì hiện nay đang là mùa đông - xuân với thời tiết lạnh ẩm, cùng với sự gia tăng đi lại, giao lưu, tiếp xúc trong thời gian sau Tết Nguyên đán, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của bệnh.

Tại Bình Dương, từ tháng 11- 2013 đến nay đã có 26 trường hợp, sởi rải rác ở 15/91 xã, phường của 5/7 huyện, thị, thành phố; trung bình mỗi xã, phường có 1 - 2 bệnh nhân, nhiều nhất là 3 bệnh nhân (phường Tân Bình, TX.Dĩ An)... Như vậy, bệnh sởi đã xuất hiện ở tỉnh ta và có nguy cơ lan rộng, bởi vì Bình Dương là cửa ngõ giao lưu quan trọng với nhiều tỉnh, thành nhất là việc công nhân lao động về quê ăn tết đã trở lại Bình Dương làm việc, họ có thể vô tình mang theo các mầm bệnh truyền nhiễm, trong đó có vi rút sởi. Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, vi rút sởi dễ phát triển và có khả năng lây lan ra diện rộng nếu chúng ta không triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống.

- Trước những diễn biến của dịch bệnh sởi ở một số tỉnh, thành cũng như bệnh sởi đã xuất hiện rải rác ở các địa phương trong tỉnh, Sở Y tế đã có sự chỉ đạo như thế nào trong công tác phòng chống bệnh sởi, thưa ông?

- Trước tình hình bệnh sởi đang có xu hướng lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước và bệnh sởi cũng đã xảy ra tại tỉnh ta; thực hiện Công văn khẩn số 101/ DP-DT ngày 8-2-2014 của Cục Y tế dự phòng về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi, Sở Y tế đã có công văn khẩn số 186/SYT-NV ngày 12-2-2014 chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế, kể cả y tế ngoài công lập, tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Y tế còn chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi giám sát các loại dịch bệnh khác, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày 31-12-2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Việc chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch bệnh đã được triển khai cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Không riêng gì việc phòng chống bệnh sởi, mà với các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch khác, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư trang thiết bị y tế để bảo đảm cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với hệ dự phòng, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các vắc-xin, trong đó có vắc-xin phòng sởi để thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ em theo lịch, thì vật tư, hóa chất và trang thiết bị chống dịch cũng luôn sẵn sàng; các đội phòng chống dịch cơ động tuyến tỉnh và tuyến huyện đã tổ chức trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ xử lý triệt để các ổ dịch; công tác truyền thông, tư vấn phòng chống bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác cũng đã được triển khai tại các địa phương; công tác giám sát dịch bệnh đã được tăng cường, nhất là tại những khu vực có đông công nhân trở lại Bình Dương làm việc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Đối với hệ điều trị, cho đến thời điểm này, các đơn vị đều đã triển khai khu vực cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm; thuốc, vật tư y tế và phương tiện phục vụ điều trị đã được chuẩn bị đầy đủ; đội ngũ cán bộ y tế đã được phân công đều có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong điều trị, luôn sẵn sàng thu dung, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh sởi hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.

Ngoài ra, ngành y tế Bình Dương cũng đã phối hợp với các đơn vị y tế tuyến trên, nhất là các đơn vị tại TP.HCM như: Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2… để được hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật khi cần thiết.

Với sự chuẩn bị nói trên, hiện nay ngành y tế đã chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh xảy ra, ngăn chặn không để các bệnh truyền nhiễm, cũng như bệnh sởi lây lan thành dịch trên địa bàn tỉnh.

HỒNG THUẬN (thực hiện)