Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Đào, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương: Chọn ngành nghề phải biết lượng sức

Cập nhật: 16-03-2010 | 00:00:00

Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ ngày 10-3 đến 10-4 thí sinh (TS) nộp hồ sơ dự thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2010 tại các trường THPT, từ 11- đến 17-4 nộp hồ sơ tại các trường dự thi. Lúc này đây chắc hẳn các TS còn đắn đo không biết chọn ngành nghề nào để theo học. Chúng tôi đã gặp Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Đào, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương để nghe ông chia sẻ với TS kinh nghiệm chọn ngành nghề.

Bao giờ cũng vậy, khi muốn tham gia một kỳ thi nào đó TS phải nghĩ đến năng lực của bản thân. Nếu chọn ngành không đúng thì quá trình học vất vả, học không hiệu quả, gây phiền toái nhà trường và uổng phí công cha mẹ. Đến khi ra trường liệu có làm được hay không. Ví dụ học ngành điện - điện tử, xây dựng, tin học mà TS không giỏi toán thì sẽ không học được. Chọn ngành mà sức học không kham nổi không chỉ làm đuối sức, dễ chán nản, mà còn làm phiền cả nhà trường. Vì thế, lời khuyên của tôi là các em chọn ngành nên liệu vào sức mình. Chọn ngành nghề phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ, không phải đột nhiên chọn vì cảm thấy thích. Khi chọn một ngành TS phải nghĩ đến có học được hay không, tương lai khi ra trường làm gì? Tôi thấy hiện nay TS có xu hướng chọn học quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng vì ngành này dễ học, nhưng nếu em nào cũng dồn vào ngành này thì cung vượt cầu, liệu rằng khi ra trường các em có dễ dàng tìm được việc làm không. Trong khi đó các ngành xã hội như xã hội học, xã hội nhân văn, du lịch... các em không chọn. Ở mỗi ngành đều có nhu cầu xã hội cần cả, nhưng các em không biết đến, không đón bắt cơ hội ở phía trước.

Hiện nay Bình Dương phát triển công nghiệp, các ngành điện - điện tử, tin học, xây dựng cần nhiều lắm, nhưng tại sao các em không chọn những ngành này. Tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh là những ngành dịch vụ, không phải là ngành chính, xã hội chỉ cần một lúc nào đó thôi, trong khi các ngành tôi nêu ở trên mới là khoa học, là ngành chính để phát triển công nghiệp, phát triển khoa học.

Học trước tiên là giúp ích cho bản thân. Ngay từ bây giờ các em nên xác định liệu ngành mình chọn có học được hay không, triển vọng như thế nào? Tôi cũng khuyên các em, nếu sức học hạn chế thì có thể chọn học trung cấp chuyên nghiệp, sau đó học liên thông lên đại học. Có nhiều con đường để các em lựa chọn, có thể học chương trình từ xa, hoặc những em gia đình có khả năng có thể du học ở các nước vì các em không phải thi đầu vào.

Đường tương lai đang rộng mở phía trước, các em hãy thật sự tỉnh táo để lựa chọn cho mình đường đi phù hợp với năng lực và thật sự yêu thích, chứ không phải chọn ngành theo trào lưu hiện nay.

H.THÁI (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X