Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 1-2017 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của CPI trong tháng đầu năm cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm 2016. Ðánh giá các nguyên nhân làm tăng CPI, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá một số hàng hóa, dịch vụ (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, nước sinh hoạt...) đã được điều chỉnh tăng theo lộ trình thị trường, vì vậy năm 2017 tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao.
Theo Bộ Tài chính, chỉ tiêu tốc độ tăng CPI đề ra trong năm 2017 là 4%, thấp hơn so với năm 2016. Năm nay, nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá, cho nên công tác quản lý điều hành giá trong năm 2017 dự báo sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Ðầu tiên, đó là việc điều hành chính sách tiền tệ (ảnh hưởng đến lạm phát cơ bản) vừa phải bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 ở mức cao, dư địa chính sách tài khóa bị hạn chế do phải giảm thâm hụt ngân sách để bảo đảm trần nợ công ở mức 65% GDP. Bên cạnh đó, việc tăng mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng, giá xăng, dầu thế giới có khả năng tiếp tục tăng, biến động mang tính thời điểm về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu…sẽ tác động đến mặt bằng giá cả trong nước và không loại trừ xu hướng tăng giá vượt đáy của các loại hàng hóa trên thị trường thế giới.
K . T (tổng hợp)