Thời gian gần đây, các hội thảo liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu đều có chung nhận định, Việt Nam là một trong số 10 nước chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra mỗi năm là 1,5% GDP với hơn 9.000 người bị ảnh hưởng, tổn hại nặng nề nhất là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chỉ tính cơn bão số 1 năm 2010 mới đây cũng thấy mức độ thiệt hại là vô cùng khủng khiếp, cộng với dịch heo tai xanh đã làm cho nông dân điêu đứng, khóc ròng vì tiếc công sức, tiền của bỏ ra... Mỗi lần như thế, các cấp chính quyền, các ngành chức năng lại tiến hành khảo sát thực địa và tìm cách hỗ trợ nông dân bằng những giải pháp có thể. Tuy nhiên, giải pháp đó liệu có đáp ứng đầy đủ khi nông dân gặp rủi ro vì mùa màng mất trắng?
Để phát triển nông nghiệp bền vững, nhiều năm nay, chúng ta đã triển khai và thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), nhưng trên thực tế, thị trường này chưa đóng góp nhiều cho sản xuất nông nghiệp. BHNN thường tỷ lệ nghịch với bảo hiểm nhân thọ. Trong 26 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, chỉ có hai doanh nghiệp chính thức tham gia BHNN đó là Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam và Công ty Bảo hiểm Groupama (Pháp). Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Cổ phần Bảo Minh mới đang xúc tiến tham gia thị trường này. Tỷ lệ người tham gia BHNN chỉ có khoảng từ 0,05 - 0,3% và từ năm 2001 đến nay không có sự chuyển biến nào đáng kể. Người nông dân thì thờ ơ, doanh nghiệp thì ngại triển khai do tiềm ẩn nhiều rủi ro, phí bảo hiểm lại thấp... Chính vì thế, thời gian qua, có rất ít diện tích cây trồng và vật nuôi được bảo hiểm, rất ít gói dịch vụ bảo hiểm dành cho lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện...
Đứng trước tình hình này, Nhà nước đã coi BHNN như là một bộ phận trong chiến lược tài chính phát triển nông thôn. Theo chiến lược này mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa hoàn thành và trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2010-2012 nhằm giúp nông dân giảm bớt thiệt hại khi gặp rủi ro. Điểm quan trọng của đề án là khi nông dân mua BHNN sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm; đồng thời chia nhóm đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể đối với nông dân nghèo (80 - 90% phí bảo hiểm), nông dân bình thường (60%) và tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN (50%). Một thông tin đáng mừng nữa là dự kiến, đề án sẽ thực hiện thí điểm tại một số vùng chuyên canh ở các tỉnh, thành có cây lúa; các tỉnh, thành có trâu thịt, bò thịt, lợn thịt, gia cầm thịt, trong đó có Bình Dương và các tỉnh, thành nuôi trồng thủy sản...
Các nước phát triển từ lâu đã có chính sách an sinh xã hội, nông dân cũng ít chỉ chiếm 10 - 15% dân số. Tại Việt Nam, nông dân chiếm tới 60 - 70%, nguồn lực tài chính lại yếu. Do vậy, chính sách hỗ trợ nông dân chỉ là cái mền nhỏ, kéo đầu này hở đầu kia. Thế nên, BHNN là cần thiết và hình thức cũng như lợi ích của nó cũng đã rõ. Điều cốt yếu ngay từ bây giờ, muốn thực hiện BHNN cho tốt, Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân cần có quyết tâm cao.
MAI HUY