Phòng bệnh Corynespora trên cây cao su: Kinh nghiệm từ Phú Giáo

Thứ tư, ngày 31/08/2011

Rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống bệnh trên cây cao su (CS) năm 2010, đầu năm nay, các cơ quan hữu quan tại huyện Phú Giáo đã đẩy nhanh công tác phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do loại bệnh này gây ra trên các vườn cây CS của huyện.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Đầu tháng 6-2010, dịch bệnh trên cây CS do nấm Corynespora gây ra đã bùng phát dữ dội trên diện tích các vườn cây CS tại một số huyện gồm: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát. Do gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng với việc đây là lần đầu tiên dịch bùng phát mạnh, công tác phòng chống bệnh của người dân còn lúng túng nên dịch bệnh đã lây lan nhanh gây ra nhiều thiệt hại cho người trồng CS. Bên cạnh đó, người dân thấy giống RRIV4 cho sản lượng và độ mủ cao nên tập trung trồng, trong khi đó đây là giống CS rất mẫn cảm với các loại bệnh, nhất là bệnh do nấm Corynespora gây ra trên diện rộng. Huyện Phú Giáo là một trong những địa phương có số vườn cây bị nhiễm bệnh cao. Ngay khi phát sinh dịch bệnh, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác định nguồn nhiễm. Song song đó là thực hiện các khảo nghiệm bước đầu nhằm tìm ra các công thức tối ưu nhất phòng trừ loại bệnh này. Trạm cũng đã nhanh chóng thông báo cho người dân các tác hại của loại bệnh này và khuyến cáo các biện pháp phòng trừ.

 Các máy phun thuốc thô sơ chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu phòng bệnh của người trồng cao su Rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch bệnh năm ngoái, ngay từ đầu năm 2011 khi cây CS thay lá non, Trạm BVTV huyện đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thông báo sâu rộng đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để người dân tổ chức phòng trừ ban đầu đối với loại bệnh nguy hiểm này. Hình thức tuyên truyền chủ yếu vẫn là gửi các thông báo về UBND các xã và thông qua đài truyền thanh xã thông báo rộng rãi các thông tin dịch bệnh đến người dân. Ông Đinh Văn Quyền - ngụ tại xã Phước Sang cho biết: “Đầu năm nay, người trồng CS chúng tôi đã được nghe các thông báo về các cách phòng bệnh trên cây CS. Do đã trải qua một mùa dịch, tích lũy được các kinh nghiệm phòng bệnh mùa trước nên năm nay người trồng CS như chúng tôi chủ động hơn trong việc phòng chống loại dịch này một cách đúng nhất”.

Vẫn khó về phương tiện phun xịt

Qua các biện pháp tuyên truyền, nhận thức của người trồng CS trong việc phòng chống dịch bệnh đã được nâng lên. Tuy nhiên, do các điều kiện khách quan về thời tiết mà hiện nay trên địa bàn huyện Phú Giáo dịch bệnh trên cây CS vẫn đang diễn biến phức tạp với khoảng 150 ha CS đang nhiễm loại bệnh này. So với đầu năm, số diện tích nhiễm bệnh đã giảm đi đáng kể nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh do các diện tích vườn cũ có dấu hiệu tái phát bệnh.

Tình trạng chung của chủ vườn CS bị nhiễm bệnh hiện nay là vẫn hạn chế về phương tiện phun xịt. Một vài máy phun thuốc trừ bệnh đã được nông dân trên địa bàn huyện sáng chế và đã giúp cho nhiều vườn cây chống chọi với loại bệnh này. Tuy nhiên, đây chỉ là các sáng chế thô sơ nên hiệu quả phun xịt chưa cao do đó chưa đạt được yêu cầu phòng bệnh cao nhất. Mặt khác, số máy móc kiểu này là chưa nhiều nên khi dịch bệnh bùng phát mạnh nhiều nhà vườn không thể thuê được máy, đến khi thuê được máy thì thời điểm phun xịt đã qua nên không còn hiệu quả nữa. Thực tế trong đợt dịch bệnh vừa qua trên địa bàn huyện do không thể phun xịt đồng loạt mà bệnh vẫn kéo dài dai dẳng. Các vườn cây đã xịt, có dấu hiệu thuyên giảm thì lại bị nhiễm lại từ các vườn cây kế cạnh chưa kịp phun xịt. Ông Nguyễn Trường Hải - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Phú Giáo cho biết: “Rút kinh nghiệm từ mùa bệnh năm ngoái, năm nay, chúng tôi đã triển khai công tác phòng bệnh Corynespora ngay từ đầu năm. Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh nhằm nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân. Ngoài ra, trạm còn tăng cường tập huấn cho các cộng tác viên giám sát mùa màng tại các xã, thị trấn và thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán thuốc BVTV để thực hiện bán đúng thuốc cho người dân. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng tôi khuyến cáo người trồng CS nên áp dụng các biện pháp tổng hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Với các diện tích trồng mới hoặc cải tạo nên hạn chế các loại giống CS mẫn cảm với loại nấm này”. Ông Hải cho biết thêm, kinh nghiệm của huyện Phú Giáo trong thời gian qua là khi cây CS thay lá non thì nên tổ chức phun xịt ngay thuốc phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây CS. Vì khi cây không bị nhiễm bệnh phấn trắng thì sẽ tạo ra sức đề kháng cao hơn cho cây CS khi chống chọi với loại nấm Corynespora. Đây là một trong những kinh nghiệm thực tế đã được kiểm nghiệm và trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Phú Giáo.

Ngoài việc phun thuốc đúng thời điểm, đúng liều lượng thì việc kết hợp bón phân hợp lý cũng là yếu tố hết sức quan trọng nhằm phục hồi sức lực vườn cây, qua đó tạo ra sức đề kháng với bệnh Corynespora. Bên cạnh đó, việc bón phân hợp lý còn giúp cho vườn cây khôi phục sản lượng mủ nhanh, hạn chế rất nhiều thiệt hại kinh tế cho người trồng.

CAO SƠN