Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh: Đẩy mạnh xây dựng giao thông an toàn - văn minh
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Thời gian qua, cùng với việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt để kéo giảm tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông nhằm tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng và lan tỏa nét đẹp, nét văn hóa về giao thông trên địa bàn.

Gắn với trách nhiệm của các bên
Những ngày qua, người dân trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ cao với cách làm của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an (CA) tỉnh đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở lứa tuổi học sinh sau khi tuần tra phát hiện, lập biên bản xử lý một nhóm học sinh vi phạm ATGT ở địa bàn phường Dĩ An (TP.Dĩ An). Chỉ ít ngày sau đó, Phòng CSGT đã tổ chức một hội nghị mời nhiều thành phần (học sinh vi phạm, phụ huynh, nhà trường) có liên quan tham dự vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, những nội dung nổi bật về Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ để “nhận diện”, điều chỉnh ý thức, hành vi phù hợp, bảo đảm các quy định khi tham gia giao thông.
Thượng tá Võ Đức Tín, Phó Trưởng phòng CSGT CA tỉnh, cho biết thời gian qua, ngành chức năng tỉnh; trong đó có Ban Giám đốc CA tỉnh hết sức quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự ATGT, từ đó đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) bền vững trên địa bàn tỉnh. Kết quả đáng mừng, TNGT được kéo giảm theo từng năm; đặc biệt là đối với đối tượng là học sinh trước đây thuộc nhóm nguy cơ cao phát sinh vi phạm, tiền ẩn xảy ra TNGT do còn nhiều hạn chế về kỹ năng tham gia giao thông và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Theo số liệu, từ năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, lực lượng CSGT CA tỉnh đã tổ chức gần 25 buổi tuyên truyền lưu động; hơn 450 buổi tuyên truyền trực tiếp cho hơn 358.200 người tham dự về trật tự ATGT; phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải hơn 2.570 bản tin, gần 290 phóng sự về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh; gửi hơn 43.000 tờ rơi, thư ngỏ đến người dân về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời, lực lượng CSGT đã tuyên truyền đến hơn 2.500 doanh nghiệp, chủ phương tiện, tài xế ô tô vận tải, chủ nhà hàng, quán ăn kinh doanh thức uống có cồn ký cam kết về chấp hành các quy định về ATGT; tuyên truyền dán decal phản quang phía trước và phía sau xe tải, xe đầu kéo 460 phương tiện.
Tạo dựng thói quen ứng xử văn minh
Kể từ khi áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, với mức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với nhiều hành vi vi phạm trật tự ATGT đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Hình ảnh về giao thông đô thị trên địa bàn đã thay đổi rõ rệt, ngày càng chuyển biến tích cực hơn. Đặc biệt vào giờ cao điểm, hay khi không có mặt lực lượng chức năng tại các tuyến đường trọng điểm, giao lộ, các phương tiện vẫn đi theo đúng phần đường, làn đường, chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Lãnh đạo Phòng CSGT cho rằng, kết quả trên thể hiện phần nào sự quyết tâm, quyết liệt của lực lượng CSGT chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trật tự, ATGT đường bộ, 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ với sự đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng đối tượng (học sinh, thanh niên, lái xe, công nhân lao động...), từng địa bàn. Song song đó, lực lượng CSGT cũng duy trì thường xuyên các đợt cao điểm ra quân tuần tra kiểm soát trật tự ATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, như: Vi phạm nồng độ cồn - ma túy, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường quy định...
Thời gian qua, Phòng CSGT CA tỉnh khuyến cáo người tham gia giao thông cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau khi lưu thông trên đường. Khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn giao thông cần bình tĩnh, trao đổi thiện chí, tuyệt đối không có hành vi nóng nảy, kích động, gây rối trật tự công cộng. Nếu bị người khác tấn công, đe dọa hoặc ép buộc có hành vi vi phạm, người dân cần báo ngay cho lực lượng CA nơi gần nhất, hoặc thông qua đường dây nóng của CA tỉnh để được hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không tự ý quay clip rồi chia sẻ, bình luận tiêu cực trên mạng xã hội khi chưa có kết luận từ cơ quan chức năng, tránh gây hoang mang dư luận, hoặc bị lợi dụng xuyên tạc để bảo đảm an ninh trật tự.
Với phương châm “Phòng ngừa là chính”, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phát động phong trào “Công nhân với văn hóa giao thông”, xây dựng mô hình “Khu nhà trọ an toàn giao thông”, “Đội thanh niên xung kích tuyên truyền an toàn giao thông”. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng khác nhau, các nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm và tai nạn giao thông cao nhằm phối hợp với các ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa giao thông. |
HƯNG PHƯỚC