Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh: Chỉ cách để người dân không rơi vào “bẫy” lừa đảo

Cập nhật: 11-03-2024 | 08:31:28

Trong những tháng đầu năm, khi nhu cầu về tuyển dụng và tìm việc làm sôi động thì cũng xuất hiện các thông tin giới thiệu “việc nhẹ lương cao” hoặc “làm giàu không khó”. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo trên mạng phổ biến nhất hiện nay.


Khi tham gia các hội, nhóm rủ rê làm giàu, người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa tiền. Ảnh: NGUYỄN HẬU

Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm qua tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi phạm tội trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thậm chí nạn nhân là người làm trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan Nhà nước, có nạn nhân ban đầu bị lừa 50 triệu đồng, sau đó được đưa vào nhóm “bị lừa” để hỗ trợ lấy lại tiền, không ngờ tiếp tục bị lừa hơn 700 triệu đồng.

Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh, cho biết hiện nay tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. “Trong năm 2022- 2023, PC02 đã tiếp nhận hơn 190 tin báo liên quan đến các vụ việc lừa đảo trên mạng, với số tiền hơn 300 tỷ đồng”, Thiếu tá Sơn cho biết.

Đại diện Phòng PC02 Công an tỉnh cho biết tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng các phương thức sau: Giả danh các cơ quan pháp luật (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án...) gọi điện thông báo bị hại có liên quan đến vụ án, chuyên án, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt; truy cập trái phép, chiếm quyền quản trị các tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin vay, mượn tiền của người thân, bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội rồi chiếm đoạt tài sản; gửi các đường link giả mạo ngân hàng, link bình chọn... để thu thập thông tin ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản; tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử rồi chiếm đoạt tài sản; chuyển tiền cho vay, sau đó yêu cầu bị hại chuyển trả đến số tài khoản khác rồi chiếm đoạt tài sản.

Để đánh vào tâm lý muốn “làm giàu không khó” của một số người, đối tượng còn kêu gọi đầu tư chứng khoán, tiền điện tử trên các sàn ảo tự thiết lập để chiếm đoạt tiền đầu tư; tìm và tiếp cận người, mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn dàn để lừa; đối tượng lừa đảo tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sau đó sử dụng các chiêu trò lừa đảo để thu hút sự quan tâm của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản...

Bị hại nên đến cơ quan công an trình báo sớm

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo, một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc được phát hiện còn hạn chế là do bị hại chỉ làm đơn tố cáo sau một thời gian dài bị lừa đảo. Việc này gây khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, truy vết dòng tiền bị chiếm đoạt cũng như việc ngăn chặn, thu hồi tài sản. Thời hạn tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm quy định rất chặt chẽ trong khi việc xác minh, làm rõ đối với hành vi phạm tội này cần rất nhiều thời gian….

Số vụ việc được làm rõ chưa cao

Thiếu tá Võ Văn Sơn cho rằng, mặc dù các vụ bị lừa trên không gian mạng ngày càng tăng nhưng số vụ việc được làm rõ chưa cao. Nguyên nhân là công tác nắm tình hình, phát hiện, quản lý các đối tượng gặp khó khăn, do phạm vi hoạt động trên không gian mạng rộng nên việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh chưa kịp thời.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là những đối tượng có trình độ và am hiểu về công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại với thủ đoạn ngày càng tinh vi; phạm vi hoạt động rộng; các chứng cứ điện tử dễ dàng bị xóa bỏ, gây khó khăn cho việc khôi phục dữ liệu, phát hiện tội phạm.

Song song đó là đối tượng thường rất cảnh giác, các tài khoản được quản lý chặt chẽ, phân cấp, phân quyền truy cập; các trang web được lập trình có độ bảo mật cao. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng tài khoản ảo, sử dụng thông tin giả, số điện thoại không chính chủ để liên lạc với các bị hại nên khó xác định nhân thân của đối tượng; tên miền đăng ký, máy chủ của các trang mạng được đặt ở nước ngoài. Trong khi đó việc liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để yêu cầu cung cấp thông tin chủ tài khoản, địa chỉ mạng và các thông tin khác có liên quan đến tài khoản và thu thập chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi không xử lý được.

Cũng theo đại diện Phòng PC02 Công an tỉnh, tội phạm hoạt động trên mạng rất khó bị phát hiện do không có biểu hiện ra bên ngoài. Chỉ cần có một điện thoại thông minh hoặc một thiết bị điện tử có kết nối mạng thông tin di động 3G, 4G là đối tượng có thể thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi nhận tiền từ bị hại, các đối tượng nhanh chóng chuyển đi nhiều tài khoản trung gian sau đó mua Bitcoin, tiền ảo hoặc dùng thẻ visa rút tiền ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin, tài liệu về các đối tượng, công tác thu hồi tài sản.

Thời gian qua, Phòng PC02 Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 15 vụ, 55 đối tượng và khởi tố 15 vụ, 54 bị can liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Tang vật thu giữ gồm hơn 1,2 tỷ đồng, nhiều ngoại tệ, 2 thẻ tài khoản ngân hàng có số tiền 145 triệu đồng, 29 điện thoại di động, 2 laptop, 6 sổ tay ghi chép, 1 xe ô tô.

 

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1441
Quay lên trên