Những vụ hỏa hoạn xảy ra tại các khu công nghiệp (KCN) đang là mối hiểm họa khó lường bởi công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn, thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến công việc, đời sống của công nhân. Chính vì vậy, việc “phòng lửa” cần được tập trung hơn là “chống lửa”.
Diễn tập phương án PCCC&CNCH tại KCN Nam Tân Uyên
Nguy cơ cao
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CHCN) Công an tỉnh, chỉ trong quý I-2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy có gây thiệt hại về tài sản, trong đócháy xảy ra đối với cơ sở cóvốn đầu tư trong nước là 10 vụ, nước ngoài là 2 vụ. Ngoài ra, có 172 vụ cháy nhỏ thiệt hại không đáng kể tại cơ sở, nhà dân, cháy cỏ, rác, phế liệu, hộp tụ điện…
Mới đây, Bình Dương liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy lớn. Tại Công ty Cổ phần gỗ Tâm Thuận Phát, đường Bình Chuẩn 26, khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An. Do công ty rộng khoảng 4.000m2, chủ yếu sản xuất giường tủ, bàn ghế nhiều chất dễ cháy nên nhanh chóng ngọn lửa bốc cao. Lực lượng PCCC đã điều 15 phương tiện và 75 cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy.
Vụ cháy tại nhà máy của Công ty Insulpack Việt Nam hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, trong đó sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa, bao bì bằng gỗ trên đường ĐT743, phường An Phú, TP.Thuận An khiến khoảng 1.000m2 công ty bị thiêu rụi. Một vụ khác tại Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương tại khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát khiến hơn 1.000m2 nhà xưởng công ty bị cháy. Lực lượng chữa cháy đã phải chia thành nhiều hướng phun nước để khống chế ngọn lửa tránh lan sang các công ty bên cạnh.
Đây là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ diễn ra tại các DN rất lớn, nhất là đối với những ngày nắng nóng đang diễn ra kéo dài. Theo trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng PCCC&CHCN, trong quý I năm nay, phòng đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 254 cơ sởvới gần 9.000 người tham gia. Tuy nhiên nguy cơ cháy vẫn còn cao. Tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên... có nhiều cơ sởsản xuất, kinh doanh, kho hàng hóa vừa và nhỏ xen lẫn trong khu dân cư; nhiều công trình xây dựng đưa vào hoạt động nhưng chưa được cấp phép hoặc trái phép như nhà tiền chế, nhà tạm, kho bãi cho thuê… Tình trạng người đứng đầu nhiều DN, một số cơ sởchưa ý thức chấp hành các quy định pháp luật, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác PCCC vẫn còn tồn tại. Hơn nữa, công tác xử lý vi phạm hành chính về PCCC&CNCH gặp nhiều khó khăn như chế tài chưa đủ tính răn đe; một số cơ sởkhông tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, kéo dài thời gian hoặc không đóng phạt...
Nâng cao vai trò DN
Trước tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp, các cơ sởhoạt động trong KCN tỉnh lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động PCCC tại các KCN trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết.
Bằng nhiều biện pháp, lực lượng cảnh sát PCCC đã làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC cho người đứng đầu, lực lượng PCCC cơ sởcũng như cán bộ, người lao động làm việc trong các KCN. Trong đó, yêu cầu người đứng đầu các DN kinh doanh cho thuê đất trong KCN thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Theo đó, tiếp tục bổ sung các phương tiện PCCC tại chỗ theo yêu cầu về số lượng và chất lượng; xây dựng, diễn tập phương án phù hợp với tình hình thực tế; công tác tự kiểm tra an toàn PCCC cần duy trì thường xuyên, đầy đủ. Đồng thời, các KCN phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các DN về tầm quan trọng của công tác PCCC đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra công tác PCCC, công tác thường trực, tuần tra, thay ca, đổi trực bảo đảm công tác PCCC luôn có cán bộ thường trực để xử lý. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn người vào lực lượng PCCC cơ sởcần bảo đảm về sức khỏe, phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và phải được cấp giấy chứng nhận huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Theo ông Trần Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Nam Tân Uyên, nắm bắt được quy mô, tính chất hoạt động và đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của cơ sở, công ty xây dựng nội quy, quy định về an toàn PCCC&CNCH phù hợp. Thời gian qua, lực lượng PCCC KCN thực hiện nghiêm túc công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, công tác thường trực bảo vệ hàng ngày cũng như việc chấp hành nội quy, quy định của cán bộ, công nhân viên làm việc tại cơ sở. Trang bị, mua sắm quản lý và bảo dưỡng các phương tiện PCCC theo đúng quy định. Hàng năm, bố trí kinh phí tổ chức các hoạt động PCCC tại cơ sởquản lý. Công ty chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát PCCC xây dựng lực lượng PCCC cơ sởbảo đảm theo đúng quy định về số lượng cũng như chất lượng. Trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC&CNCH. Đồng thời, ông Bình cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở; xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ và diễn tập các tình huống trong phương án định kỳ cho các DN trong KCN.
TIỂU MY