Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Cập nhật: 08-04-2024 | 09:11:51

Gia đình là tế bào của xã hội. Xã hội muốn phát triển lành mạnh, trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn tồn tại tiềm ẩn bạo lực gia đình (BLGĐ) trong đời sống. Theo các chuyên gia, để thực hiện phòng, chống BLGĐ hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

 Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Tân Uyên tuyên truyền phòng, chống BLGĐ và các chính sách, pháp luật cho phụ nữ trong khu nhà trọ và phụ nữ buôn bán ở chợ

 Còn nhiều khó khăn

Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Điều này đã đặt ra thách thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình, nhất là tại các khu nhà trọ. Thống kê của các cơ quan chuyên môn của tỉnh cho thấy, hàng năm, tổ hòa giải trong khu dân cư đã tư vấn, hòa giải, góp ý phê bình 1.908 vụ trong cộng đồng dân cư; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 11 trường hợp; tạm giữ, xử phạt hành chính 466 vụ, xử lý hình sự 10 vụ. Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể, những năm gần đây tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh ghi nhận 1.851 vụ, nhưng đến giai đoạn 2016-2020 giảm còn 640 vụ. Nhiều vụ BLGĐ được phát hiện và can thiệp kịp thời nên hạn chế phần nào những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

BLGĐ thường bị che giấu đằng sau cánh cửa mỗi gia đình, để nắm thông tin về BLGĐ phải có mạng lưới cộng tác viên tại khu dân cư. Song, tỉnh không có đội ngũ cộng tác viên thực hiện thu thập thông tin và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình và phòng, chống BLGĐ. Đội ngũ công chức được giao triển khai nhiệm vụ kiêm nhiệm, chưa có công chức chuyên trách, đặc biệt là cấp xã; phòng, chống BLGĐ không được giao trong nhiệm vụ chuyên môn. Việc bố trí cán bộ thực hiện công tác gia đình nói chung, nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ nói riêng là một thách thức lớn.

Số lượng cán bộ, công chức quản lý nhà nước về gia đình chưa đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, đặc biệt khi các văn bản, chính sách về gia đình liên tục được cập nhật, bổ sung, đặt ra nhiệm vụ mới cho đội ngũ này. Do đó rất nhiều vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, nhất là tại các khu nhà trọ chưa được phát hiện và can thiệp kịp thời. Đối với cấp huyện, cấp xã, chỉ có 1 công chức hoặc 1 nhân viên hợp đồng kiêm nhiệm lĩnh vực gia đình nên công chức, viên chức này không có thời gian để làm, nghiên cứu chuyên sâu.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ của tỉnh vừa thiếu về số lượng, vừa non về nghiệp vụ. Công chức làm công tác phòng, chống BLGĐ cấp xã, ban điều hành các khu phố, ấp thường xuyên có sự thay đổi về nhân sự, nhiều cán bộ được phân công làm công tác gia đình ở cấp xã chưa kịp quen việc đã thay đổi vị trí việc làm khác nên việc cập nhật kiến thức về gia đình và phòng, chống BLGĐ cho cán bộ chưa đáp ứng.

Các chuyên gia hiến kế

Phòng, chống BLGĐ không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cả xã hội nhằm xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, gia đình hạnh phúc. Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương, Học viện Chính trị khu vực II, chia sẻ để giảm thiểu số vụ BLGĐ trên địa bàn, tỉnh cần nghiên cứu, triển khai mô hình “Hội đồng gia đình” trên quy mô gia đình; gọi là “Hội đồng gia đình” để trẻ em và các thành viên trong gia đình trao đổi tâm tư, nguyện vọng. Thực tế, mô hình này đã xây dựng thí điểm tại các tỉnh, thành: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, cả nước đã xây dựng được 14 mô hình trẻ em cấp tỉnh, 17 mô hình trẻ em cấp huyện.

 Một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng đưa ra giải pháp phòng, chống BLGĐ ở Bình Dương, như: Giải pháp về tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng, chống BLGĐ; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống BLGĐ; cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa BLGĐ...

“Song song với việc triển khai mô hình “Hội đồng gia đình”, tỉnh cần nhân rộng mô hình nâng cao giá trị văn hóa gia đình và nhận thức cộng đồng nhằm góp phần phòng, chống BLGĐ của tỉnh cũng như các địa phương khác đang triển khai hiệu quả”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương nói.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Y, Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh cho rằng Bình Dương cần tổ chức mô hình, hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống BLGĐ. Cụ thể các hoạt động bao gồm: Tư vấn, xây dựng phóng sự tài liệu; nội dung tuyên truyền; chạy chữ thông điệp; tuyên truyền vào các dịp trọng điểm và lên kế hoạch xây dựng số chuyên đề về gia đình, phòng chống bạo lực.

Nhấn mạnh công tác hòa giải trong phòng, chống BLGĐ, Tiến sĩ Trần Thị Như Quỳnh, Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng hòa giải là giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực. Quá trình hòa giải cần tiếp cận phụ nữ, người bị bạo lực làm trung gian, tôn trọng các giá trị văn hóa và tính tự chủ của phụ nữ.

 KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên