Phòng chống dịch bệnh heo tai xanh:Chủ quan sẽ làm cho dịch lan rộng hơn!

Cập nhật: 13-08-2010 | 00:00:00

Từ khi công bố dịch heo tai xanh (HTX) đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân làm cho bệnh tiếp tục lây lan nhanh, trong đó do tâm lý chủ quan của người chăn nuôi (NCN) và cơ quan chuyên môn là một trong những lý do cần đề cập.

Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chịu thiệt hại nặng

Trên thực tế thì đa số các ổ dịch xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó chính từ tâm lý chủ quan, không hợp tác với chính quyền, giấu bệnh đã làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến càng phức tạp hơn. Việc chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với khoảng 80.000 hộ (80%), nếu không có các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn. Đến ngày 10-8, toàn tỉnh có 6/7 huyện, thị có heo bị nhiễm bệnh với 32 xã, 206 hộ. Tổng số heo bị nhiễm bệnh là 5.441 con, đã tiêu hủy 2.229 con với tổng trọng lượng là 72.881kg.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 719 về chính sách hỗ trợ phòng chống dịch gia súc, gia cầm. Theo đó sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các chủ chăn nuôi (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của Trung ương, địa phương và các đơn vị quân đội) có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức tương đương 70% giá trị gia súc, gia cầm thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường. Mức hỗ trợ với người chăn nuôi heo là 25.000 đồng/kg hơi.

Có thể thấy tình hình dịch bệnh xảy ra một cách nhanh chóng và lây lan rộng trong thời gian ngắn là do NCN còn chưa ý thức cao trong công tác phòng bệnh cũng như chưa thấy được mức độ thiệt hại nghiêm trọng của loại dịch bệnh này. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú ý đến vấn đề vệ sinh chuồng trại cũng như công tác tiêm phòng cho heo khỏe; công tác điều trị, chăm sóc cho số heo bệnh cũng chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi nhỏ chưa xây dựng được các hệ thống xử lý nước thải, chất thải một cách hợp lý, bảo đảm yêu cầu. Mặt khác một số hộ dân sau khi đàn heo của gia đình bị nhiễm bệnh chết không báo cáo ngay với chính quyền mà tự mua thuốc về điều trị. Thậm chí khi đã biết heo bị nhiễm bệnh người nuôi vẫn bán cho các thương lái nhằm tận thu. Và một khi dịch bệnh xảy ra thì chịu thiệt thòi trước tiên là NCN. Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp - chủ trại heo tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo cho biết: “Trong tình hình hiện nay, NCN heo đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Thiệt hại về heo chết đã đành, còn số heo khỏe mạnh cũng chịu ảnh hưởng về giá cả. Tôi thấy mặc dù có lệnh cấm vận chuyển heo ra khỏi vùng có dịch nhưng vẫn có một số thương lái lén lút mua heo bệnh vào ban đêm mang đi tiêu thụ”. Còn ông Tư Kim - Giám đốc Công ty TNHH Kim Long (TX.TDM) thì cho biết: “Tại các trại chăn nuôi của công ty và các công ty chăn nuôi lớn khác dịch bệnh vẫn chưa xảy ra, một số khách hàng của chúng tôi vẫn tin tưởng và đặt hàng. Điều này cho thấy rằng nếu heo được chăn nuôi với quy trình vệ sinh chặt chẽ, được tiêm phòng hợp lý thì sẽ rất ít xảy ra dịch bệnh”. Trong tình hình hiện tại, để tiện lợi cho việc buôn bán của các trại chăn nuôi heo, Chi cục Thú y tỉnh đã có buổi họp các chủ trại chăn nuôi để hướng dẫn các tiêu chí để có thể xuất heo vận chuyển heo an toàn. Theo đó nếu số heo xuất được lấy các mẫu huyết thanh và phù hợp với các điều kiện kiểm dịch thì vẫn được xuất bán bình thường. Việc vận chuyển chỉ có thể được thực hiện qua các chốt kiểm dịch là Vĩnh Phú (Thuận An), cầu Ông Tiếp (Tân Uyên), cầu Tham Rớt (Bến Cát), cầu Phước Hòa (Phú Giáo) và chốt Cầu Tàu (Dầu Tiếng).

Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cần phải chú ý hơn đến vấn đề vệ sinh chuồng trại

Phòng chống dịch đang gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã triển khai các biện pháp nhằm phòng chống. Tuy nhiên do lực lương thú y tại cơ sở còn mỏng và một bộ phận cán bộ thú y còn lơ là, giám sát kém cũng là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phòng chống dịch bệnh chưa đạt kết quả như mong muốn. Hiện nay, công tác tiêu hủy số heo bệnh cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định về mặt chi phí nhân công và việc chọn địa điểm để tiêu hủy. Ngoài ra, việc quản lý các lò mổ cũng như việc xử lý mạnh với các cơ sở giết mổ lậu cũng đặt ra cho các cơ quan chuyên môn nhiều câu hỏi. Trong khi đó việc hướng dẫn cho NCN thực hiện các biện pháp xử lý chuồng trại, phòng chống dịch cũng còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân chưa thực hiện đúng các biện pháp một cách hợp lý. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các địa bàn vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Diễn biến của dịch bệnh cho thấy sự nguy hiểm và khó khống chế. Hiện vẫn chưa có vắc-xin để phòng chống loại dịch bệnh này.

Phát biểu trong buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống, kiện toàn lại Ban chỉ đạo tại các địa phương. Dựa theo tình hình cụ thể sẽ công bố dịch để có các biện pháp phòng chống một cách quyết liệt hơn...

CAO SƠN

Trong tình hình hiện nay, người chăn nuôi tại các vùng có dịch cũng như các địa phương chưa phát hiện dịch bệnh không nên quá hoang mang nhằm tránh các thiệt hại không cần thiết và cần phải chủ động trong việc thông báo các diễn biến dịch bệnh với chính quyền và các cơ quan chuyên môn.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên