Phòng, chống hàng giả: Cần sự chung tay từ nhiều phía

Cập nhật: 22-08-2024 | 08:29:02

Hiện nay, với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vi phạm pháp luật về thương mại gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là nhiệm vụ lâu dài, cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) và người dân.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Hiện nay, trên thị trường, người tiêu dùng (NTD), DN không ít lần bắt gặp các sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu bị làm giả dưới nhiều hình thức. Mức giá bán của những sản phẩm giả, kém chất lượng, vi phạm SHTT lại khá rẻ, đánh trúng vào tâm lý của một bộ phận NTD. Đây là yếu tố thuận lợi để hàng giả, kém chất lượng, vi phạm SHTT tồn tại nhiều năm qua.

Chia sẻ về thực trạng nói trên, chủ một đại lý nước tăng lực Redbull ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết nước tăng lực Redbull có mặt tại thị trường Việt Nam 30 năm qua và được NTD ưa chuộng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, tình trạng vi phạm quyền SHTT các sản phẩm này đang diễn ra khá nhiều. Đối tượng vi phạm đưa ra thị trường các sản phẩm nước tăng lực với những mẫu mã, bao bì mới, liên tục thay đổi, hầu hết đều có những đặc điểm nhận dạng tương tự với sản phẩm thật, như Red Blue, Red Gold, Red Goats... dễ dàng đánh lừa NTD, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm đếm và lập biên bản một doanh nghiệp tàng trữ hàng điện máy, điện tử nhập lậu với số lượng lớn tại kho hàng ở KCN Sóng Thần, phường An Bình, TP.Dĩ An. Ảnh: THANH HỒNG

Không chỉ riêng đồ uống, hiện nay thuốc lá giả cũng được bán trên thị trường. Theo ngành quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, hiện tình trạng bày bán công khai thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn trường hợp đối tượng chia nhỏ lượng hàng và cất giấu chung với thuốc lá sản xuất trong nước, bán lén lút tại các tiệm tạp hóa, quán cà phê. Ngoài ra, một thực trạng đáng lo ngại khác là thuốc lá giả các nhãn hiệu nổi tiếng như 555, Craven A... vẫn được làm giả và tiêu thụ tại Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của DN kinh doanh thuốc lá trong nước, sức khỏe NTD và gây thất thu thuế.

 Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành QLTT tỉnh đã tổ chức ký cam kết với 306 cơ sở kinh doanh thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Lực lượng QLTT cũng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện 1.093 vụ vi phạm; tổng sốtiền phạt và truy thu 6,735 tỷ đồng; khởi tố 25 vụ/35 đối tượng.

Cần sự phối hợp, hợp tác của các bên

Theo ông Trần Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT, hiện nay tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT có xu hướng gia tăng, gây bức xúc, tác động tiêu cực tới đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và môi trường đầu tư. Nhiều đối tượng rao bán, quảng cáo, khuyến mại hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... một cách công khai trên website, mạng xã hội. Đối với hình thức gian lận này, cơ quan chức năng rất khó phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho tàng trữ hàng hóa của các đối tượng để xử lý, do những vi phạm liên quan đến SHTT vốn phức tạp, vi phạm trong môi trường thương mại điện tử ngày càng tinh vi.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ dầu nhớt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Motul tại một cơ sở kinh doanh ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng .

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cho biết một trong những khó khăn hiện nay đối với ngành chức năng là một số sản phẩm có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng, bày bán công khai trên thị trường cùng nhiều hàng hóa nhập khẩu xâm phạm quyền SHTT các thương hiệu nổi tiếng nhưng không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác, khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, ngành QLTT tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thương mại, thương mại điện tử đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành QLTT tỉnh thường xuyên thực hiện việc ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc “không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT; đồng thời tổ chức các hội thảo, tuyên truyền, tập huấn về phân biệt hàng thật - hàng giả nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực SHTT cho cán bộ làm công tác QLTT...

Cán bộ QLTT kiểm tra đặc điểm phân biệt thuốc lá thật, thuốc lá giả bày bán trên thị trường

Ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhấn mạnh phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là nhiệm vụ lâu dài và khó khăn, do vậy lực lượng QLTT không thể “đơn phương độc mã” xử lý, mà cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, DN và người dân. 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=279
Quay lên trên