Phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội

Thứ tư, ngày 22/01/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trên phạm vi cả nước, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%).

Người tiêu dùng nên nghiêm túc thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi để phòng chống ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người tiêu dùng nên nghiêm túc thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi để phòng chống ngộ độc thực phẩm

Cứ vào dịp gần Tết, cơ quan chức năng lại liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó đa phần là các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp này như thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Gia tăng vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội kéo dài ở các tỉnh thành diễn ra trên phạm vi cả nước trong vài tháng với nhiều lượt khách tham dự.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng, đây là những yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Trên phạm vi cả nước, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%).

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và lễ hội Xuân, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã lập 5 đoàn kiểm tra cấp trung ương tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó lưu ý xử phạt nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Cùng với việc lập 5 đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiến thức về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ đời sống của nhân dân trong Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội; nhằm mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn.

Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra rất dễ dàng, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng: từ chọn lựa thực phẩm, đến cách bảo quản và chế biến thực phẩm.

thuc-an.jpg
Khi chế biến thực phẩm, thức ăn phải sơ chế kỹ lưỡng trước khi nấu nướng

Để phòng ngộ độc thực phẩm ngày Tết, mỗi người cần lựa chọn thực phẩm an toàn và bảo quản chúng đúng cách. Khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình trong dịp Tết, đặc biệt là các loại hải sản, rau và trái cây tươi cần hết sức cẩn trọng. Hãy ưu tiên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Cụ thể, đối với từng loại thực phẩm, như rau củ quả nên chọn loại tươi ngon, không bị hư thối hay dập nát. Với thịt, cá, tôm… thì chọn loại tươi, không có mùi lạ, hôi hay dấu hiệu ôi thiu.

Với thực phẩm đóng hộp hoặc đóng gói sẵn, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, nhà phân phối và các thành phần. Hãy tránh những sản phẩm có vỏ bị hư hỏng hay biến dạng. Ngoài ra, chỉ nên mua thực phẩm tại những địa điểm uy tín, tránh những nơi không đảm bảo tính an toàn.

Bên cạnh đó, các gia đình thường có thói quen trữ thực phẩm trong tủ lạnh, nhất là vào dịp Tết. Tuy nhiên, mỗi loại thực phẩm đều cần có cách bảo quản riêng. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết, mỗi người cần lưu ý sau khi bảo quản thực phẩm đã chế biến trong tủ lạnh, nhớ hâm nóng kỹ trước khi sử dụng. Thực phẩm chín bảo quản trong tủ lạnh không nên để quá lâu và đảm bảo nhiệt độ bảo quản phù hợp.

Các gia đình nên áp dụng phương pháp bảo quản riêng cho từng loại thực phẩm. Thịt và cá tươi cần được rửa sạch và cho vào ngăn đông; rau củ nên được bọc kín trong túi riêng và để ở ngăn rau củ của tủ lạnh. Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh để giữ cho môi trường bên trong sạch sẽ.

Khi chế biến thực phẩm, thức ăn phải sơ chế kỹ lưỡng trước khi nấu nướng đồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, không để thực phẩm đã chín lẫn lộn với thực phẩm sống.

Để phòng ngộ độc thực phẩm ngày Tết, Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng nên nghiêm túc thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi. Nếu ăn ở hàng quán, hãy chọn những nơi đảm bảo vệ sinh với môi trường sạch sẽ và thoáng đãng. Nếu tự nấu tại nhà, cần chế biến thực phẩm đúng cách và hạn chế tiêu thụ các món tái hoặc sống để giảm thiểu nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập và gây ngộ độc./.

Theo TTXVN