Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản. Kẻ gian chủ yếu lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác trong quản lý tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản để thực hiện hành vi phạm pháp. Để phòng ngừa vấn nạn này, nhất là thủ đoạn “đá nóng” xe máy, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình.
Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản. Ảnh: HƯNG PHƯỚC
Bị mất tài sản do thiếu cảnh giác
Theo thống kê, năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 361 vụ trộm cắp tài sản, chiếm 40,7% tổng số vụ phạm pháp hình sự, trong đó trộm cắp xe mô tô xảy ra 181 vụ, chiếm khoảng 50% tổng số vụ trộm cắp. Các địa bàn ghi nhận tình trạng phức tạp về nạn trộm cắp tài sản, gồm: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát… Riêng địa bàn Thuận An, trong năm 2022 có 138 vụ trộm cắp tài sản, trong đó địa bàn xảy ra nhiều nhất là các phường Thuận Giao, An Phú và Bình Chuẩn. Trong 138 vụ trộm cắp tài sản có 42 vụ trộm với phương thức “đá nóng” xe máy.
Theo Trung tá Lê Xuân Sang, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, qua công tác nắm tình hình và phân tích số vụ trộm cắp trên địa bàn, chủ yếu nổi lên một số thủ đoạn, như: Đột nhập phòng trọ, nhà dân, doanh nghiệp để trộm tài sản. Trước khi ra tay đối tượng thường di chuyển xung quanh khu vực gây án để nắm thời gian, thói quen sinh hoạt của chủ tài sản, lối ra, lối vào, nơi gắn camera, thiết bị báo động, kết cấu cửa cổng, cửa nhà, chìa khóa... Sau khi đã quan sát được, đối tượng chọn những khung giờ mà chủ tài sản đi vắng hoặc thiếu cảnh giác để sử dụng các thiết bị như kìm cộng lực, xà beng, kéo... cắt khóa cửa, cắt mái tôn, đục tường và đột nhập trộm cắp tài sản. Thời gian xảy ra trộm chủ yếu vào khung giờ từ 00 giờ đến 5 giờ sáng. Đây là thời gian người dân đã ngủ say dễ mất cảnh giác. Số liệu thống kê đối với thủ đoạn này chiếm 35% tổng số vụ trộm cắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Với một số vụ “đá nóng” xe mô tô, đối tượng thường đi từ 2 người trở lên, di chuyển trên các tuyến đường để tìm kiếm xe mô tô không có người trông coi hoặc để ở những vị trí khuất tầm nhìn. Khi thời cơ thích hợp, chúng sử dụng các thiết bị để mở khóa nhanh chóng chiếm đoạt xe để tẩu thoát. Khung giờ xảy ra “đá nóng” tập trung vào đầu buổi sáng, trưa và cuối buổi chiều; đây là khoảng thời gian người dân đi ăn, đi chợ, mua hàng và dễ mất cảnh giác hoặc để xe ở những vị trí khó quan sát. Số liệu thống kê đối với thủ đoạn này chiếm trên 50% tổng số vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Người dân cần chủ động bảo vệ tài sản
Qua trao đổi với P.V, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho rằng người dân nên thận trọng, cảnh giác với thủ đoạn trộm dàn cảnh ngoài đường. Các đối tượng có thể theo dõi người dân đi rút tiền từ ngân hàng, trụ ATM. Sau khi rút tiền, khi bị hại di chuyển trên đường sẽ bị đối tượng dàn cảnh va chạm xe, sau đó lợi dụng bị hại mất cảnh giác chúng lấy trộm tài sản. Ngoài ra, hiện nay xuất hiện thủ đoạn dàn cảnh hỏi đường nhân viên bảo vệ các cửa hàng tiện ích, sau đó lợi dụng sự mất cảnh giác, chúng nhanh chóng lấy trộm xe máy rồi tẩu thoát. Số liệu thống kê đối với thủ đoạn này chiếm 10% tổng số vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Cũng theo khuyến cáo của cơ quan công an, một số thủ đoạn khác đang có xu hướng xuất hiện trở lại, như: Trộm đập kính xe ô tô để lấy tài sản, trộm chó, trộm dây điện tại các khu hành chính, khu dân cư chưa có người ở... “Qua nghiên cứu các vụ trộm cắp tài sản đã xảy ra, một phần nguyên nhân là sự mất cảnh giác của người dân trong việc tự bảo vệ tài sản. Cụ thể như chủ tài sản để xe ở những vị trí khuất, không khóa cổ xe hoặc để quên chìa khóa trên xe; các trụ sở công ty, doanh nghiệp lực lượng bảo vệ mỏng, không có người trông coi thường xuyên, không lắp camera để quan sát...”, Trung tá Lê Xuân Sang cho biết thêm.
Trước tình hình trên, để chủ động trong công tác phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản, Công an tỉnh Bình Dương đưa ra một số giải pháp phòng ngừa như sau: Cơ quan, doanh nghiệp cần kiểm tra lại số lượng bảo vệ để bố trí đủ các vị trí cần bảo vệ; kiểm tra lại các hệ thống tường rào, cửa ra vào phòng làm việc; yêu cầu lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra xung quanh để kịp thời phát hiện những sơ hở mà tội phạm trộm cắp tài sản dễ dàng lợi dụng để đột nhập. Người dân, cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động lắp camera quan sát; thiết kế khóa trong để chống cắt khóa; sửa chữa, gia cố chắc chắn móc khóa, lề cửa, bông gió, cửa ban công... Không sơ hở để xe máy trước cửa nhà, phòng trọ mà không có người trông coi. Khi ra khỏi xe phải rút chìa khóa, nên dựng xe ở nơi dễ quan sát và khóa từ một đến hai ổ khóa. Ngoài việc khóa cổ xe, người dân cần phải trang bị thêm ít nhất một loại khóa khác, như: Khóa chống trộm, khóa bánh, khóa thắng đĩa, khóa chống chân… Kiểm tra kỹ các khóa cửa (cửa sổ, cửa chính, cửa ban công), khóa tủ đựng tài sản, xe máy trước khi ngủ hoặc khi rời khỏi nhà.
Người dân không nên để nhiều tài sản như tiền, vàng ở trong nhà. Có thể gửi tiết kiệm tại ngân hàng hoặc trong thẻ ATM. Nếu để ở nhà nên chọn những vị trí kín đáo và cất vào các loại tủ được gia cố chắc chắn để phòng ngừa khi đối tượng trộm đột nhập vào lấy tài sản. Giữ mối quan hệ thân thiện với người xung quanh, đồng thời nhờ trông coi hộ khi vắng nhà, đi du lịch... Tuyệt đối không nên chia sẻ lịch trình chuyến đi của bản thân, gia đình lên các trang mạng xã hội.
Theo thống kê, năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 361 vụ trộm cắp tài sản, chiếm 40,7% tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra, chủ yếu là thủ đoạn trộm cắp xe mô tô, đã xảy ra 181 vụ, chiếm khoảng 50% tổng số vụ trộm cắp tài sản. Các địa bàn ghi nhận tình trạng phức tạp về nạn trộm cắp tài sản, gồm: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát… |
TÂM TRANG