Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em: Cần sự chung tay của gia đình và xã hội

Cập nhật: 16-08-2023 | 09:56:55

Hiện nay, tình trạng trẻ em gái bị xâm hại tình dục (XHTD) trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái sinh sống cùng người thân trong những khu nhà trọ. Trước tình hình trên, các ngành chức năng đang vào cuộc, quyết liệt bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD.

Nhiều hệ lụy

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2022 đến tháng 5-2023, trên địa bàn tỉnh đã có 84 trẻ em bị XHTD, trong đó có 77 trẻ em gái. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tất cả trẻ em đều có nguy cơ bị XHTD, kể cả bé gái và bé trai. Trẻ em bị XHTD không chỉ tổn thương về thể chất, mà còn phải chịu ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần. Điều đáng nói là hầu hết các trẻ bị XHTD bởi chính người thân trong gia đình hoặc quen biết như hàng xóm…


Học sinh TP.Thuận An tham gia liên hoan các nhóm tuyên truyền măng non với chủ đề “Xây dựng môi trường sống lành mạnh cho trẻ em” năm 2023

Cụ thể như trường hợp cháu Ph. (SN 2008, quê An Giang) bị cha dượng là Nguyễn Văn Láng (SN 1984, quê An Giang) hiếp dâm. Theo nội dung vụ việc, vào sáng ngày 5-3, cháu Ph. đang học bài trên gác tại phòng trọ ở khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An thì bị Láng dùng kéo đe dọa để “giở trò đồi bại”. Lúc này cháu Ph. chống cự quyết liệt mới thoát khỏi “yêu râu xanh” và chạy qua phòng trọ hàng xóm cầu cứu. Sau đó, qua vận động, đối tượng Nguyễn Văn Láng đã đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Đáng nói là một số nạn nhân và đối tượng chỉ mới quen biết qua mạng xã hội nhưng đã đến phòng trọ, nhà đối tượng để ở, dẫn đến bị XHTD. Như trường hợp cháu T. (SN 2010, quê Sóc Trăng), theo nội dung vụ việc, qua mạng xã hội, bé T. quen Bùi Đoàn Anh Du (SN 2004, ngụ TP.Hồ Chí Minh), một đối tượng sống lang thang. Sau đó, Du và cháu T. đến thuê phòng trọ ở phường Bình Hòa, TP.Thuận An để sinh sống chung với nhau. Tại đây hai người quan hệ tình dục với nhau nhiều lần. Khi gia đình cháu T. phát hiện sự việc đã báo cho cơ quan công an xử lý theo quy định.

Nâng cao trách nhiệm của gia đình

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được ngành chức năng tỉnh quan tâm thực hiện, đặc biệt là phòng chống bạo lực, XHTD ở trẻ em. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hàng năm, sở đã tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bạo lực, XHTD trẻ em, tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ. Sở cũng đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn phụ huynh kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại; đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương xây dựng các chương trình, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về bảo vệ, phòng chống bạo lực, XHTD trẻ em...

“Có thể nói, công tác phòng chống XHTD trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà thuộc về mọi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục giới tính một cách có hiệu quả, giúp con trẻ có kỹ năng bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị XHTD”, bà Nguyễn Ngọc Hằng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em giữa Sở LĐ-TB&XH với các đơn vị liên quan ngày càng được nâng cao, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em. Bà Võ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thuận An, cho biết thời gian qua, các cấp hội luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm phòng chống tình trạng XHTD, nhất là đối tượng nữ công nhân nhà trọ, trẻ em, học sinh… Có thể kể đến các hoạt động như tuyên truyền phổ biến Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; lắng nghe và tuyên truyền qua đường dây nóng 111; phát tờ rơi và lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chi hội nữ công nhân nhà trọ… Bên cạnh đó, hội còn phối hợp các trường học tổ chức chương trình truyền thông phòng chống XHTD tại những buổi sinh hoạt Đội, Đoàn, sinh hoạt dưới cờ.

Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, 5 năm qua (2018-2023), đơn vị đã phối hợp Sở LĐ- TB&XH tổ chức 5 lớp tập huấn tuyên truyền phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho khoảng 500 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hội còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em...

Hãy lắng nghe con nói

Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm XHTD gây nên, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, XHTD cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Cha mẹ cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn; tránh bạo lực khi con có sai phạm; phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con; phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ hãy cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi; không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác. Cha mẹ nên dạy trẻ rằng việc một người lớn nào đó và cả người thân thích đụng chạm hay mơn trớn con là điều không đúng…

NGUYỄN HẬU - QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=873
Quay lên trên