Phòng ngừa các loại dịch bệnh truyền nhiễm: Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống

Cập nhật: 13-08-2024 | 08:43:43

 Hiện một số địa phương ở nước ta đã ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi hoặc bệnh có vắc xin dự phòng. Tại Bình Dương, hiện không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng; số ca mắc, tử vong giảm.

 Cán bộ địa phương tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM cho người dân tại TP.Dĩ An

 Các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm

Hiện tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở một số tỉnh khu vực phía Nam diễn biến phức tạp. Trong khi đó theo thống kê trên hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tại Bình Dương tình hình dịch bệnh tương đối ổn định; không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng; số ca mắc, tử vong giảm đáng kể.

Trong tuần 31 (từ ngày 29-7 đến 4-8), toàn tỉnh ghi nhận 5 ca sởi, 57 ca mắc tay chân miệng (TCM) và 68 ca sốt xuất huyết (SXH), giảm 24% so với tuần 30. Tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 9 ca sởi, 776 ca SXH, 1 ca tử vong (giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2023); ghi nhận 2.083 ca TCM (giảm 29,7% so với cùng kỳ). Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, như: Zika, cúm A H5N1, cúm A H7N9, ho gà, đậu mùa khỉ, bệnh dại, bạch hầu không ghi nhận ca mắc.

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết để kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành y tế đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn năm 2024 và nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm như dịch bệnh lây qua đường hô hấp, SXH, TCM, cúm A ở người... Các sở, ban ngành, địa phương đều có kế hoạch về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra và phối hợp tốt với các đơn vị y tế để phòng bệnh cho người dân. “Ngành y tế cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng”, bác sĩ Trần Văn Chung cho biết.

 Theo báo cáo, ca SXH tử vong tại TP.Thuận An là người bệnh 55 tuổi, tạm trú tại phường Thuận Giao. Sau khi ghi nhận ca bệnh từ phần mềm báo cáo, Trạm Y tế phường Thuận Giao phối hợp Ban Điều hành KP.Hòa Lân 2 liên lạc với người nhà bệnh nhân, điều tra thực địa và ghi nhận khu vực xung quanh nhà bệnh nhân sinh sống là các hộ dân và 10 phòng trọ sử dụng nước máy; khu nhà ở vệ sinh sạch sẽ, không ghi nhận lăng quăng. Trong vòng 14 ngày (trước ngày bệnh nhân khởi phát bệnh) không có ca mắc bệnh SXH.

Không chủ quan với dịch bệnh

Hiện đang là thời tiết nắng nóng kèm mưa nhiều nên các bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng ca mắc. Mặc dù số ca mắc các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh giảm nhưng các địa phương trong tỉnh không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

 Đoàn viên, thanh niên và các lực lượng trên địa bàn phường Thuận Giao ra quân vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh

Tại TP.Thuận An, từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 462 ca mắc TCM; ghi nhận 252 ca mắc và 1 ca tử vong do SXH. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết các đơn vị y tế trong thành phố đang đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch SXH, TCM tại cộng đồng, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch.

Địa phương cũng tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Viện Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh. “Trong công tác điều trị, ngành y tế địa phương quán triệt tinh thần hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết.

Cùng với dịch bệnh SXH, TCM lưu hành thường xuyên trên địa bàn tỉnh, đối với các bệnh bạch hầu, sởi, ho gà... các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng tăng cường biện pháp phòng dịch. Điển hình với bệnh bạch hầu, các địa phương triển khai công tác giám sát, phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc-xin; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành y tế. Với các bệnh sởi, ho gà, ngành y tế các địa phương tập trung theo dõi, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh để có các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng; tiếp tục duy trì công tác tiêm chủng, rà soát các trường hợp chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi để tổ chức tiêm bù, tiêm vét theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Người dân không nên hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin không chính thống về dịch bệnh rồi tự ý tiêm vắc-xin. Trong trường hợp cần thiết, người dân cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, bảo đảm thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đủ liều, đúng thời điểm để phát huy hiệu quả phòng bệnh”.

(Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=882
Quay lên trên