Phòng ngừa tăng mỡ máu

Cập nhật: 18-07-2014 | 00:00:00

Tăng mỡ máu là một chứng bệnh thường gặp liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống cũng như chế độ sinh hoạt của mỗi người, nhất là người cao tuổi. Tác hại của tăng mỡ máu là rất đáng được quan tâm vì có thể gây những biến chứng như gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não...

 

Tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa tăng mỡ máu

Mỡ máu và tăng mỡ máu

Mỡ máu gồm cholesterol và triglycerid. Cholesterol là một chất béo có tên là steroid có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể. Phần lớn cholesterol không có nguồn gốc từ thức ăn mà được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như trứng, sữa, não, thịt đỏ, mỡ động vật... Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng các tế bào và rất cần cho các hoạt động khác của cơ thể để sản xuất ra nội tiết tố và cũng là thành phần rất quan trọng của muối mật. Chất triglycerid được hình thành khi chất acid béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, nếu lượng acid béo tự do bị dư thừa không được hấp thu ở gan thì chúng sẽ trở thành triglycerid...

Khi cholesterol hoặc triglycerid máu vượt quá giới hạn bình thường thì được gọi là tăng. Cholesterol máu bình thường dưới 5,2 mmol/l, khi vượt quá chỉ số bình thường này được coi là tăng cholesterol máu. Khi triglycerid máu trên 2,3 mmol/l được gọi là triglycerid cao. Còn khi tăng cả cholesterol và triglycerid thì được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.

Tăng cholesterol máu là do chế độ ăn không hợp lý như ăn quá nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng (nhất là lòng đỏ trứng), sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ, lòng động vật, tôm trong các bữa ăn hàng ngày. Tiếp đến là người béo phì, ngoài ra, người ta cũng có thể gặp do di truyền, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, các bệnh về gan. Tăng triglycerid hay gặp nhất là do uống quá nhiều rượu, béo phì, di truyền, lười vận động hoặc rối loạn gen chuyển hóa, các bệnh viêm gan...

Cần chế độ dinh dưỡng hợp lý

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách: hạn chế mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật; không nên ăn quá nhiều phủ tạng động vật (lòng heo, lòng gà, lòng trâu bò...), trứng, thịt, mà nên thay bằng tôm, cá là những thực phẩm có chứa ít cholesterol. Tăng cường ăn nhiều hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, mè đen, đậu phộng. Trong quá trình chế biến thực phẩm, các bà nội trợ nên sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Với người bị bệnh mỡ máu cao, cần tránh xa các món ăn ngọt, nhiều dầu mỡ như: bánh quy, phô mai... Tránh lạm dụng rượu bia hoặc các chất uống có cồn khác. Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.

Kiểm soát cân nặng bằng cách luyện tập thể dục thể thao. Tích cực vận động bất cứ khi nào có thể như đi lại, tập thể dục, chơi thể thao (cầu lông, bóng bàn, chạy...). Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh béo phì (BMI từ 18 - 22).

Khi đã có tăng mỡ máu, cần tuân thủ đúng quy trình điều trị do thầy thuốc hướng dẫn. Cần đi kiểm tra mỡ máu định kỳ 3 - 6 tháng/lần. Điều trị tốt các bệnh lý có thể gây tăng mỡ máu như hội chứng thận hư, bệnh xơ gan ứ mật...

Theo khoahocphothong.com.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=535
Quay lên trên