Phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng: Cẩn thận khi nhấp vào đường link lạ!

Cập nhật: 15-06-2024 | 10:37:52

Theo khuyến cáo của cơ quan công an, khi nhận các đường link có tên miền nước ngoài, có độ tin cậy thấp, ít phổ biến như: .info, .asia, .vip, .tk, .xyz, .pw, .co. cc,… (ví dụ: https://www.shoppe8.vip), người dân nên cảnh giác vì các đường link này chứa mã độc và sẽ dẫn dụ vào “bẫy” lừa đảo.

Cách nhận diện

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an (CA) tỉnh cho biết tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chủ yếu sử dụng các phương thức: Lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch…) giá rẻ; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin cho người thân, quen vay mượn tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VneID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại; giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu, sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online hoặc đầu tư tài chính.


Nội dung của một tờ rơi tuyên truyền của Công an tỉnh về phòng chống tội phạm công nghệ cao

Hiện nay phổ biến nhất là hình thức giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng mức tín dụng… sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục; giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức phát tán tin nhắn SMS Brandame chứa đường dẫn lừa đảo, nội dung yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tải ứng dụng độc hại; lừa đảo đầu tư các sàn chứng khoán, tiền ảo, đa cấp… sau đó “đánh cháy” tài khoản hoặc đánh sập sàn; lừa đảo tình cảm, sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử việc nhẹ lương cao; giả danh cơ quan công quyền (tòa án, công an, viện kiểm sát…), văn phòng luật sư, ngân hàng… gọi điện đe dọa chuyển tiền hoặc lấy lại tiền đã bị mất. Ngoài ra còn có một số phương thức lừa đảo khác là lừa cho số đề, chuyển nhầm tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tài khoản đã bị mất nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt để đánh vào tâm lý muốn “làm giàu không khó” của một số người, đối tượng còn kêu gọi đầu tư chứng khoán, tiền điện tử trên các sàn ảo tự thiết lập để chiếm đoạt tiền đầu tư; tìm và tiếp cận người, mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn để lừa. Đối tượng lừa đảo tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sau đó sử dụng các chiêu trò lừa đảo để thu hút sự quan tâm của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản...

THEO KHUYẾN CÁO, KHI LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI DÂN, CƠ QUAN CA SẼ CÓ GIẤY MỜI, GIẤY TRIỆU TẬP HOẶC LIÊN HỆ VỚI CA ĐỊA PHƯƠNG NƠI CÔNG DÂN CƯ TRÚ ĐỂ MỜI ĐẾN TRỤ SỞ LÀM VIỆC CHỨ KHÔNG BAO GIỜ ĐE DỌA “KHÓA TÀI KHOẢN CÁ NHÂN CỦA CÔNG DÂN”.

Báo tin kịp thời để ngăn chặn, xử lý

Mặc dù các vụ bị lừa trên không gian mạng ngày càng tăng nhưng số vụ việc được làm rõ chưa cao. Theo đánh giá, nguyên nhân là công tác nắm tình hình, phát hiện, quản lý các đối tượng gặp khó khăn, do phạm vi hoạt động trên không gian mạng rộng nên việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh chưa kịp thời.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là những đối tượng có trình độ và am hiểu về công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại với thủ đoạn ngày càng tinh vi; phạm vi hoạt động rộng; các chứng cứ điện tử dễ dàng bị xóa bỏ, gây khó khăn cho việc khôi phục dữ liệu, phát hiện tội phạm.

Cũng theo đại diện Phòng PC02 CA tỉnh, tội phạm hoạt động trên mạng rất khó bị phát hiện do không có biểu hiện ra bên ngoài. Chỉ cần có một điện thoại thông minh hoặc một thiết bị điện tử có kết nối mạng thông tin di động 3G, 4G là đối tượng có thể thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi nhận tiền từ bị hại, các đối tượng nhanh chóng chuyển đi nhiều tài khoản trung gian sau đó mua Bitcoin, tiền ảo hoặc dùng thẻ visa rút tiền ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin, tài liệu về các đối tượng, công tác thu hồi tài sản. Vì vậy sau khi phát hiện sự việc, người dân nên trình báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xác minh, xử lý kịp thời.

Hạn chế đưa thông tin cá nhân lên mạng xã hội

Những ngày qua, nhiều người dân nhận được các lời chào mời đầu tư, giới thiệu việc làm trên mạng, trong đó đáng chú ý là yêu cầu cài đặt VneID. Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CA tỉnh, đây là thủ đoạn mạo danh yêu cầu cập nhật ứng dụng VneID thông qua đường link cài đặt các ứng dụng (app) có chứa mã độc nhằm chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng trên điện thoại của nạn nhân.

Để phòng tránh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng, mã OPT cho người lạ, kể cả người tự xưng là cán bộ CA; hãy tìm các trang web, số điện thoại chính thống để tra cứu lại thông tin khi thấy nghi ngờ…

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=458
Quay lên trên