Phòng ngừa vấn nạn xâm hại trẻ em: Chú trọng trang bị kiến thức để các em tự bảo vệ mình

Cập nhật: 28-10-2022 | 09:16:53

Thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng này đòi hỏi vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng cần phải được quan tâm đúng mức và có sự phối hợp chặt chẽ hơn.


Các ngành chức năng cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Ảnh: HƯNG PHƯỚC

Bị người quen xâm hại

Vào đầu tháng 10-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố đối với Nguyễn Trọng H. về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Nạn nhân bị xâm hại trong vụ việc này là con riêng của vợ H., bé T. sinh năm 2013. Điều đau lòng trong vụ án này là chính người mẹ đã dùng điện thoại quay lại hình ảnh để dùng làm bằng chứng tố cáo chồng mình ra trước cơ quan công an.

Cũng là một người mẹ có con gái chịu tổn thưởng vì bị xâm hại, trong phiên tòa sơ thẩm vào đầu năm 2022, chị Lê Thị T.H. (sinh năm 1990) khiến nhiều người có mặt tại phiên tòa “vừa giận vừa thương” vì sự vô tư của người mẹ trẻ này. Theo nội dung vụ án, tại một phòng trọ ở ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, Bùi Quốc V. đã lợi dụng thời điểm chị H. ngủ say, sự thiếu hiểu biết của cháu M.T. (SN 2009, con gái chị H.) nên nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại cháu T. Tại thời điểm bị xâm hại, T. mới hơn 12 tuổi. Với hành vi trên, V. bị tuyên phạt 17 năm tù về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Theo bà Lê Thị Mỹ, Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tỉnh, tại các khu phòng trọ thường thiếu sân chơi, điều kiện sinh hoạt hạn chế, trong khi trẻ em sinh sống tại đây phần lớn có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ lo mưu sinh nên không có thời gian quan tâm, giáo dục giới tính cho con. Mặt khác do cha mẹ chủ quan, thiếu quan tâm phòng chống xâm hại tình dục cho con trẻ; thậm chí một số cha mẹ còn gửi con mình cho hàng xóm, người quen và nghĩ sẽ không sao! Đây là một sai lầm. Mặt khác, một số phụ nữ đơn thân nuôi con hoặc tái giá hoặc sống chung như vợ chồng với người tình trong các căn phòng trọ, thiếu quan sát, phó mặc con cái cho chồng mới hoặc người tình chăm sóc khi vắng nhà. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng một phần do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Các em khi bị xâm hại tình dục đa số đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.

Theo bà Phương, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.

Cha mẹ cần quan tâm con hơn nữa

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có 19 vụ hiếp dâm, 19 vụ giao cấu và 2 vụ dâm ô. Hầu hết những người xâm hại tình dục là nam giới; các trẻ bị xâm hại bởi cha dượng, bạn của gia đình hoặc hàng xóm, thầy giáo và người quen biết qua mạng xã hội... Đôi khi việc xâm hại này diễn ra trong một thời gian dài. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng những chiêu trò “lấy lòng” như cho quà vặt, bao ăn uống, cho tiền... nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết. Khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Đối với nhà trường, cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung; cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu với học sinh.

“Để làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng tăng cường truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân trong công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, lạm dụng”.

(Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên