Phòng tránh tai nạn giao thông đối với trẻ em: Cần sự quan tâm của gia đình và xã hội

Cập nhật: 26-05-2023 | 08:43:10

 Những năm gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến trẻ em không ngừng tăng lên. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời ở trẻ. Để hạn chế tối đa TNGT đối với trẻ em, trước hết cần sự quan tâm, giáo dục và làm gương của các bậc phụ huynh trong việc nhắc nhở con em mình thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ.

 Tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông cho thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện Phú Giáo

 Đau lòng trẻ em bị tai nạn giao thông

Thời gian gần đây, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị TNGT phải nhập viện. Gần đây nhất, có trường hợp trẻ tên T.Đ.P. (36 tháng tuổi) bị tai nạn dẫn đến tử vong. Bé P. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đa chấn thương, chấn thương sọ não nặng, tràn khí tràn máu màng phổi. Tại khoa cấp cứu, bé P. được đặt ống nội khí quản, thở máy, hút dẫn lưu màng phổi liên tục, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, động mạch và hồi sức tích cực. Tuy nhiên, do thương tích nặng, bé đã không qua khỏi.

Hay mới đây, vụ TNGT thương tâm trên đường ĐT744 đoạn qua xã Phú An, TX.Bến Cát đã làm 2 cháu bé tử vong, 2 người lớn bị thương nặng. Sự việc xảy ra khi 2 người phụ nữ cùng 2 cháu bé đi trên một chiếc xe gắn máy lưu thông trên đường ĐT744 hướng từ TP.Thủ Dầu Một về huyện Dầu Tiếng. Khi xe đi đến ngã tư Phú Thứ, xã Phú An thì xảy ra va chạm với xe tải chạy cùng chiều. Vụ tai nạn khiến cháu bé 3 tuổi tử vong tại chỗ, cháu bé 5 tuổi tử vong ngay sau khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ TNGT xảy ra ở trẻ em. Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông và số người tham gia giao thông, trong đó có trẻ em thì số vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho trẻ em cũng ngày một gia tăng. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Tại Bình Dương, con số này cũng nằm trong ngưỡng cao. TNGT là 1 trong 4 nguyên nhân hàng đầu (khoảng 50%) gây tử vong cho tất cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Điều này để lại niềm đau thương và gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.

Để hạn chế TNGT, gia đình, nhà trường, xã hội cần chủ động tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ để nâng cao nhận thức tham gia giao thông cho học sinh. Các ngành, các đơn vị, địa phương, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến sự an toàn của trẻ em trong khi tham gia giao thông, cố gắng tạo dựng một môi trường an toàn và cộng đồng an toàn, loại bỏ các nguy cơ gây TNGT cho trẻ. Mỗi đơn vị, địa phương cần có kế hoạch hành động cụ thể và chủ động phối hợp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích (trong đó có TNGT), giúp mọi trẻ em được học tập, vui chơi và phát triển trong môi trường an toàn không tai nạn thương tích, để không còn trẻ em nào bị tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích mà nhất là TNGT gây ra.

Rất cần sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, phần lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của chính các em. Chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế hiểm họa TNGT qua tuyên truyền, giáo dục. Trẻ em là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất trong các vụ TNGT, trong khi đó, kiến thức về pháp luật cũng như sự am hiểu về Luật Giao thông đường bộ đối với các em còn rất hạn chế. Trong đó, lỗi phần lớn xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của một số bậc phụ huynh và người thân khi chưa có ý thức cao trong việc tuyên truyền, nhắc nhở con em mình.

Thực tế hiện nay, ý thức của trẻ về ATGT chưa cao, nên khi tham gia giao thông, các em không chấp hành luật và các quy định về an toàn giao thông, như: Vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám theo xe, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác, vượt trước mũi ô tô, xe máy hoặc lên xuống xe không quan sát trước sau nên dễ bị va quẹt… Trong khi đó người lớn thì bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh TNGT cho trẻ như để trẻ nhỏ đứng, ngồi trước xe máy; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, chở người quá quy định, vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do uống rượu bia không kiểm soát được tốc độ…

 Để góp phần hạn chế TNGT, phụ huynh phải là tấm gương, nhắc nhở, xây dựng cho con em mình có nhận thức và hành vi văn hóa giao thông. Các ngành chức năng, đoàn thể và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền các tình huống dẫn tới TNGT, những nguy cơ và hiểm họa của TNGT đối với sức khỏe và tương lai của trẻ em. Các đơn vị, địa phương nên thường xuyên tổ chức thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, thi thực hành các kỹ năng tham gia giao thông để giúp trẻ có thói quen tốt, tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông mọi lúc, mọi nơi.

 HOÀNG LINH - VĂN QUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=524
Quay lên trên