Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đến nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp đã góp phần xóa hết hộ CCB nghèo, không chỉ bảo đảm cuộc sống, nhiều hộ còn phát triển thành công trang trại, công ty, xí nghiệp.
Tiếp chúng tôi trong một cơ ngơi sang trọng là người đàn ông đã có tuổi, nhưng cơ thể vạm vỡ vẫn còn nổi rõ những bắp thịt săn chắc. Bằng giọng dứt khoát, rõ ràng ông kể lại những ngày tham gia quân ngũ và cả trong thời bình. Đó là CCB Nguyễn Thành Trung ở thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo). Câu chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn vì có một phụ nữ đứng khép nép bên ngoài, nói là đến nhận gạo. Đó là một trong 10 hộ gia đình khó khăn được ông Trung giúp đỡ 5kg gạo/tháng từ năm 2005 đến nay. Ông nghĩ rất kỹ, 5kg gạo chỉ có mấy chục ngàn nhưng ít ra họ cũng có cái ăn hàng ngày trước đã.
Từ năm 2007 đến nay, CCB Nguyễn Thành Trung luôn đảm trách công tác Trưởng khu phố 3, thị trấn Phước Vinh
Hơn ai hết, ông hiểu khó khăn của những nông dân nghèo mà ông đã từng trải qua. Theo ông, nông dân nghèo không chỉ thiếu vốn, thiếu kỹ thuật mà còn thiếu cả ý chí tự lực vươn lên trong cuộc sống. Từ lúc kinh tế gia đình phát triển cũng là lúc ông bắt đầu hỗ trợ bà con nghèo ở địa phương, bằng cách bán cây cao su giống đến khi thu hoạch mủ (3 năm sau) mới trả tiền cho ông. Ông cười nói, đó là chuyện bình thường. Im lặng rít một hơi thuốc dài, ông tiếp câu chuyện trước đó.
Rời quân ngũ trở về, gánh nặng gia đình đều đặt hết lên vai ông. Cha là liệt sĩ hy sinh năm 1969, mẹ mất chỉ mấy ngày sau ngày giải phóng. Gia đình ông có 4 anh em, trong đó có 2 người em còn đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Cha mẹ bên vợ lại già yếu khó khăn, bản thân ông lại không nghề nghiệp, không vốn liếng. Phải bắt đầu từ đâu là một bài toán khó mà hàng đêm ông trằn trọc tìm lời giải. Rồi với quyết tâm và sức lao động, ông đã phát rẫy khai hoang, cấy lúa, trồng khoai sắn để có cái ăn hàng ngày cho gia đình. Thế nhưng, cuộc sống bấp bênh với điệp khúc được mùa mất giá, rồi thời tiết, sâu bệnh... ông cũng thăng trầm theo các phong trào trồng điều, rồi lại chặt điều trồng nhãn.
Nhắc đến đây, ông dừng lại một chút rồi nói tiếp, đó là xu hướng chung, điều quan trọng là dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hay không? Thế là sau những lần thất bại, ông đã tích lũy kinh nghiệm, tìm được loại cây trồng thích hợp với đất đai ở đây là cây cao su. Để thử nghiệm thành công, ông tiếp tục bỏ công học cách lai ghép cây cao su giống thông qua các buổi hội thảo, các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Hội CCB địa phương tổ chức. Sau khi thử nghiệm lai ghép cho kết quả tốt, ông đã làm vườn ươm và ngày càng mở rộng diện tích để cung cấp cây giống cho thị trường.
Năm 2001, ông được ngân hàng và Hội CCB cho vay vốn đầu tư mở rộng diện tích vườn ươm hàng năm lên 150.000 - 200.000 cây. Ông quyết bám đất và đất đã không phụ công ông. Sau bao nhiêu năm ròng lao động vất vả, đến nay, ông đã có 20 ha cao su đang khai thác. Mỗi năm trừ chi phí thuê nhân công, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, ông thu lợi từ 2 - 2,5 tỷ đồng.
Còn biết bao nhiêu CCB làm kinh tế giỏi đã minh chứng sống động cho tinh thần tự lực, tự cường và ý chí kiên trì bền bỉ của người lính trong thời chiến cũng như thời bình từ nghèo khó vươn lên một cách bền vững, phát triển dần thành trang trại, công ty, xí nghiệp... với quy mô sản xuất - kinh doanh ngày càng mở rộng, chất lượng hàng hóa ngày càng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo con số thống kê của Hội CCB tỉnh, đến nay có 24 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 345 trang trại do CCB làm chủ. Có 214 hội viên CCB các cấp đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi. Hầu hết các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, các chủ trang trại, dịch vụ... của CCB đều gương mẫu chấp hành các quy định về sản xuất - kinh doanh, nghĩa vụ thuế, quy định về môi trường; tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội từ thiện, trợ giúp bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp đỡ người dân và hội viên có hoàn cảnh khó khăn hàng tỷ đồng... đã thể hiện hình ảnh cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.
ĐỨC LÊ