Phong trào “Dân vận khéo” ở Bến Cát: Góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 13-10-2010 | 00:00:00

Trong những năm qua, “Dân vận khéo” là nội dung trọng tâm trong thực hiện phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị ở Bến Cát. Phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng vào việc vận động quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Điểm thành công nhất từ phong trào này là các cấp, các ngành đã tập trung hướng mạnh về cơ sở, tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thông qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức của người dân, động viên các thành phần kinh tế, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực KT-XH, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào “Dân vận khéo” được thực hiện trong tất cả các ngành, các lĩnh vực từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng trang trại, giải quyết tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp, quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chánh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở... Phong trào cũng góp phần tác động tích cực đến kết quả huy động các nguồn lực, đất đai, vốn... vào sản xuất đem lại hiệu quả cao.

 

Phong trào cải cách hành chính, trợ giúp pháp lý đã góp phần giảm bớt phiền hà cho người dân

Các mô hình điển hình về “Dân vận khéo” xuất hiện ở khắp các địa phương trong huyện, như mô hình trồng rau sạch ở Mỹ Phước, Tân Định; tổ giúp nhau làm kinh tế gia đình của Hội Nông dân 15 xã, thị trấn; CLB Quỹ tình thương đồng đội, cuộc vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Cựu chiến binh thị trấn Mỹ Phước và xã Long Nguyên; tổ phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường của Hội Phụ nữ... Trong đó nổi bật nhất là phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở 15 xã, thị trấn do Hội Phụ nữ phát động. Đến nay, toàn huyện đã có 2.946 chị khá, giúp cho 3.325 chị khó khăn với tổng số tiền trên 9,5 tỷ đồng; các xã đều xây dựng tổ tương trợ phụ nữ, có 230 tổ với 5.109 hội viên với tổng số vốn trên 1,4 tỷ đồng.

Về mặt xã hội, những năm qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động nhân đạo từ thiện, giải quyết những vấn đề xã hội và bức xúc ở cơ sở. Các tổ tương trợ pháp lý, hòa giải cơ sở hoạt động hiệu quả đã hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho người dân, làm thay đổi nhận thức của người dân về nhiều mặt... Trong công tác này, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội đã góp phần đem lại lợi ích cho người dân nên phong trào ngày càng đi vào nề nếp và có chiều sâu, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều phong trào đã trở thành nét đẹp truyền thống như ngày vì người nghèo, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa... Nhờ khéo vận động nên phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được cụ thể hóa cho từng phong trào, được quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng..

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Bến Cát có nhiều cách làm sáng tạo nên đã góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện “Dân vận khéo” nhiều vụ việc phức tạp được hòa giải thành công ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội, giúp chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thông qua phong trào dân vận khéo cũng đã góp phần giáo dục cán bộ đảng viên xây dựng mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và tổ chức chính trị trong sạch vững mạnh. Nhiều cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp với dân, công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định những việc liên quan đến người dân. Chính quyền các cấp đã quan tâm đến những vấn đề bức xúc của nhân dân, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chánh, kiên quyết xóa bỏ tình trạng quan liêu, phiền hà trong bộ máy Nhà nước, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức về ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Từ đó giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Có thể nói qua 2 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Bến Cát đã tạo được sự đồng thuận, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận, từng bước phát huy quyền làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và tinh thần vượt khó dám nghĩ, dám làm của các tầng lớp nhân dân; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.

HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên