Phong trào thi đua “Dân vận khéo”: Xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến

Cập nhật: 15-10-2012 | 00:00:00

Hôm nay (15-10), Ban Dân vận (DV) Tỉnh ủy tổ chức lễ kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác DV của Đảng, 63 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, 13 năm Ngày DV cả nước. Tại buổi lễ, Ban DV Tỉnh ủy tổ chức trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho hơn 100 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2010-2012. Họ là ai?

Những tập thể tiêu biểu…

Cách đây không lâu, hình ảnh những màu áo lính giúp dân 2 phường Phú Hòa, Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) làm đường giao thông nông thôn (GTNT) đã tạo tiếng vang tốt trong lòng nhân dân. Những việc làm thiết thực ấy của các chiến sĩ đã làm tốt công tác DV bằng hành động theo lời Bác Hồ dạy: “Để làm tốt công tác DV nhân dân cần phải có nhiều hành động cụ thể, thiết thực hướng về người dân”. Và hôm nay, những cách làm DV khéo cũng sẽ được tôn vinh. Đó là Kho A, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Trong 2 năm qua, đơn vị này đã chú trọng công tác DV khéo bằng hành động thực tiễn là tổ chức cho chiến sĩ phát quang và khơi thông cống rãnh tại ấp Suối Con được 1.000m, giúp người dân 50 ngày công dọn dẹp cây ngã, nhà sập do lốc và mưa to; tích cực giúp đỡ các hộ gia đình chính sách bằng quà và tiền mặt trị giá 1,5 tỷ đồng. Đó là Trung đoàn BB, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động khéo trong nhân dân 12 buổi với gần 2.000 lượt người tham gia, tổ chức cho 800 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương sửa chữa 8km đường liên thôn, giúp nhân dân Lai Hưng (Bến Cát) phát quang, dọn dẹp vệ sinh đường phố.  

Lực lượng vũ trang và chính quyền P.Phú Hòa (TP.TDM) đến tận nhà dân làm công tác dân vận

Công tác DV đã gắn liền với những chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng trong suốt 82 năm qua, là một bộ phận không thể tách rời sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta. Do vậy, muốn đơn vị vững chắc toàn diện, nhiều đơn vị đã chú trọng đặc biệt đến công tác này. Đó là Đảng ủy Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã chú trọng việc tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, vận động và tổ chức các phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân viên. Công ty cũng mạnh dạn xây dựng và sửa chữa nhà trả góp cho công nhân, xây dựng bệnh viện, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ nhu cầu giáo dục, y tế cho con em công nhân và người dân địa phương với số tiền gần 30 tỷ đồng. Đảng ủy Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương lại là một đơn vị điển hình trong việc thực hiện Nghị định 87/NĐ-CP, xây dựng quy chế dân chủ cơ sở công khai, minh bạch, mọi người được góp ý kiến của mình vào quá trình sản xuất, kinh doanh và được ký thỏa ước lao động tập thể.

…đến những cách làm hay

Theo ghi nhận của chúng tôi các tập thể, cá nhân được tuyên dương hôm nay đều có những cách làm hay trong phong trào DV khéo. Cụ thể là Hội Nông dân xã An Long (Phú Giáo) vận động nhân dân đóng góp tiền, cây trái, hoa màu, đất đai trị giá hàng chục tỷ đồng để làm mới 2 tuyến đường giao thông nội đồng với chiều dài hơn 3km; vận động các cơ quan, đơn vị đóng góp tiền để trao tặng, hỗ trợ quà, tiền cho các hộ gia đình nghèo, học sinh, sinh viên là con em gia đình khó khăn tại địa phương. Đó là Hội CCB P.Bình An (Dĩ An) đã vận động nhân dân hiến hơn 1.000m2 đất làm đường GTNT. Còn Công đoàn các KCN tỉnh đã vận động và ủng hộ tốt cho cuộc vận động “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Trường Sa”, chú trọng công tác vận động công nhân thi đua lao động sản xuất giỏi; ủng hộ kịp thời công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Riêng Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một vận động tốt chị em phụ nữ xây dựng nếp sống văn minh đô thị như xóa bảng quảng cáo, phân loại rác thải, vệ sinh môi trường, quét dọn vệ sinh trên 45km đường giao thông.

Nếu như khối DV xã Minh Thạnh (Dầu Tiếng) là một điển hình trong việc vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua DV khéo gắn với quy hoạch phát triển nông thôn mới với nhiều kết quả tích cực thì Đảng bộ P.Thuận Giao (TX.Thuận An) gắn phong trào DV khéo với công tác xóa đói giảm nghèo như hỗ trợ vốn tín dụng cho hộ nghèo, chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm lo cho những hộ gia đình nghèo, công nhân khó khăn trong cuộc sống. Còn ở xã Long Hòa (Dầu Tiếng) và xã Lạc An (Tân Uyên) thì chú trọng cách làm DV khéo gắn với bà con tín đồ, chức sắc tôn giáo xây dựng đời sống “tốt đời, đẹp đạo”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chỉ riêng Long Hòa đã mở 13 lớp học nghề cho 445 lao động nông thôn. Còn rất nhiều cách làm hay gắn với phong trào DV khéo của từng địa phương, đơn vị. Mỗi cách làm của họ đều thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về công tác DV.

Đánh giá chung về phong trào DV khéo trong 2 năm 2011-2012, UVTV, Trưởng ban DV Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, phong trào thi đua DV khéo mà trọng tâm là xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình DV khéo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia, góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội trong toàn tỉnh. Ban DV các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy tiếp tục tổ chức triển khai tốt phong trào thi đua DV khéo gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=270
Quay lên trên