Thời gian qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) tiếp tục duy trì và phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) góp phần phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng quà cho một thành viên thuộc lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở của TP.Thủ Dầu Một. Thời gian qua, lực lượng này đã có nhiều đóng góp cho công tác giữ gìn ANTT ở địa phương
Phong trào ngày càng lớn mạnh
Ngay từ đầu năm, Công an tỉnh đã đề ra các giải pháp và kịp thời tham mưu HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt các nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các đơn vị thành viên và Ban Chỉ đạo 138 huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Trong năm 2022, Công an tỉnh tham mưu mở các đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống ma túy; kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6)”. Tổ chức thực hiện các mặt công tác xây dựng phong trào, kiểm tra, khảo sát đánh giá các mô hình về ANTT. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác dân vận. Kết quả, từ đầu năm đến nay đã tiến hành kiểm tra tại 8 đơn vị công an cấp huyện và 16 công an cấp xã. Qua đó, thông báo kết quả làm việc của đoàn kiểm tra nhằm đánh giá những mặt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại để các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về việc tiếp tục vận động nhân dân phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2022, thời gian qua công an các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy. Tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh. Phân công cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống cơ sở, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đặc biệt là trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm bảo đảm ANTT. Theo Thượng tá Võ Minh Châu, Trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, nhằm phát huy sức mạnh ở cơ sở cũng như kịp thời xử lý những vấn đề liên quan đến ANTT ở các xã, thị trấn, Công an huyện Dầu Tiếng chú trọng việc cắt cử các bộ, chiến sĩ xuống địa bàn nắm tình hình. Nhờ đó mà thời gian qua Công an huyện Dầu Tiếng đã kịp thời phát hiện, triệt phá nhanh các vụ việc hình sự, được người dân đánh giá cao.
Tiếp tục phát huy các mô hình “4 tại chỗ”
Thượng tá Huỳnh Văn Sáng, Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh cho biết các mô hình quần chúng được xây dựng thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, huy động được sức mạnh vào công tác tấn công tội phạm. Một số mô hình được các địa phương khác đến học tập về áp dụng. Các mô hình này hoạt động theo hướng “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”. Cụ thể như mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT và phòng cháy chữa cháy”. Tính đến nay, Bình Dương có 9 “Khu dân cư an toàn về ANTT và phòng cháy chữa cháy”. Qua thời gian tổ chức thực hiện mô hình thì tình hình ANTT ở các khu dân cư có sự chuyển biến tích cực. Công an các địa phương đã chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc hướng dẫn các chủ đầu tư khu dân cư thành lập Ban Quản lý, Ban Quản trị khu dân cư theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; kết hợp triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư và nhà cao tầng. Nếu như trước đây tại các khu dân cư thường xuyên xảy ra vụ việc liên quan đến ANTT, thì hiện nay số vụ việc đã giảm, các tiêu chí thực hiện mô hình đạt và hoàn thành kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, còn phải kể đến đề án “Xã hội hóa camera an ninh” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025. Tính đến tháng 6-2022, tổng số camera lắp đặt theo đề án lên hơn 3.000 với kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Ngoài ra, đã vận động nhà dân, doanh nghiệp tự lắp đặt được 23.614 camera. Trong đó, có 1.906 camera đã được lắp tại các ngã ba, ngã tư (thuộc các tuyến đường của xã, phường, thị trấn và các tuyến liên xã) để phục vụ công tác bảo đảm tình hình ANTT.
Từ đầu năm đến nay, hệ thống camera đã giúp lực lượng công an điều tra khám phá được 13 vụ, bắt 19 đối tượng vi phạm pháp luật. Một số vụ việc điển hình như qua trích xuất hình ảnh từ camera tại TP.Dĩ An đã giúp làm rõ vụ giết người, giúp truy bắt nhóm đối tượng bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 991 Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT trong doanh nghiệp, với hơn 18.000 thành viên. Riêng mô hình Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, hiện có 91/91 xã, phường, thị trấn thành lập với 3.051 thành viên. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng này đã phối hợp công an địa phương tổ chức tuần tra 1.462 cuộc với 13.444 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, thời gian qua Công an tỉnh tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở, như: Câu lạc bộ Chủ nhà trọ tự quản về ANTT; Tổ xe ôm tự quản về ANTT; Camera an ninh… Theo báo cáo của Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 187 Câu lạc bộ Chủ nhà trọ tự quản về ANTT với 5.158 thành viên; 188 Câu lạc bộ Chi hội thanh niên nhà trọ với 4.965 thành viên; 203 Câu lạc bộ Chủ nhà trọ với 8.174 thành viên; 39 Tổ xe ôm tự quản với 1.021 thành viên.... Hiện nay, công an các địa phương đang tập trung nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, như: “Zalo kết nối an ninh” tại TP.Thủ Dầu Một; Câu lạc bộ Chủ nhà trọ tại xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên); “Bóng điện an ninh” tại phường Bình Nhâm (TP. Thuận An); mô hình Đội “Phòng cháy chữa cháy rừng lịch sử Kiến An” tại xã An Lập (huyện Dầu Tiếng); “Tổ phòng, chống ma túy” tại TX.Bến Cát… |
L.T.PHƯƠNG