Phong trào vệ sinh, nâng cao sức khỏe người dân

Thứ tư, ngày 31/07/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO)  Vệ sinh bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh không còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà hiện nay tại Bình Dương, phong trào này được toàn dân hưởng ứng tích cực. Vệ sinh nhằm nâng cao sức khỏe mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng và bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, văn minh.

 Phụ nữ phường Bình Thắng, TP.Dĩ An ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường

Toàn dân vào cuộc

Đã đi vào nề nếp, vào sáng thứ 7 hàng tuần, khi tiếng loa truyền thanh bắt đầu vang lên tại các khu phố trên địa bàn phường Bình Thắng, TP.Dĩ An, người dân ra quân tổng vệ sinh môi trường. Tham gia cùng dọn vệ sinh với người dân có Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ khu phố, Ban Điều hành khu phố, các thành viên MTTQ và các chi hội đoàn thể. Người dân thực hiện tổng vệ sinh trước cửa nhà, sau đó tiến hành vệ sinh, phát quang, dọn dẹp tất cả các tuyến đường và các khu trung tâm trên địa bàn. Làm đến đâu, cấp ủy, chính quyền phường vận động nhân dân xử lý rác thải đến đó bằng hình thức thu gom, tiêu hủy. Đặc biệt, Hội LHPN phường đã trồng 50 cây tùng tháp, hồng lộc, cẩm tú tại khu vực xung quanh Công viên Thống Nhất, khu phố Hiệp Thắng.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Thắng, cho biết: “Thông qua những hoạt động thiết thực này, cấp ủy, chính quyền phường kêu gọi người dân phân loại rác ngay tại nhà, từng bước thay đổi hành vi, tạo thói quen bỏ rác đúng nơi quy định; không vô cảm trước những hành vi thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Việc duy trì chương trình dọn dẹp khu phố ngày cuối tuần không chỉ góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn kết nối tinh thần đoàn kết thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương”.

Không chỉ tại phường Bình Thắng, TP.Dĩ An thực hiện phong trào tổng vệ sinh, bảo vệ môi trường mà có rất nhiều đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh cũng nhiệt tình tham gia. Tại TP.Thủ Dầu Một, hưởng ứng phong trào “Ngày thứ bảy văn minh”, thành phố đề ra mục tiêu “Mỗi người dân trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh” nên thu hút đông đảo các cấp, các ngành, đơn vị, tôn giáo và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Điển hình tại phường Hòa Phú, hưởng ứng phong trào này, đến nay toàn phường đã trồng hơn 13.000 cây xanh các loại, tổ chức hơn 50 đợt ra quân “Ngày thứ bảy văn minh” với hơn 2.100 lượt người tham gia làm vệ sinh đường phố, tháo gỡ hơn 3.300 tờ quảng cáo rao vặt trái phép trên các tuyến phố.

Qua các số liệu thống kê cho thấy, phong trào vệ sinh yêu nước trên địa bàn tỉnh đã kéo giảm tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm, năm sau thấp hơn năm trước.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của phong trào vệ sinh yêu nước là công tác tuyên truyền. Hoạt động này được đẩy mạnh trên khắp các phương tiện thông tin, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh. Từ đó, tác động tích cực đến việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tuy nhiên, Bình Dương hiện đang đối mặt với nguy cơ môi trường sống bị ô nhiễm bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường. Một số dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát trở lại đã và đang tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống cộng đồng dân cư. Sự phát triển nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã khiến cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường của các địa phương đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

 Người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường

Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phối hợp đồng bộ với các địa phương triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân. Trước hết, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo vệ môi trường, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Từ việc thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi hành vi, tiến tới có những hành động tích cực được thực hiện thường xuyên trong mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng, làm cho môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp, văn minh”.

 Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Đáng chú ý là các hoạt động như: Xây dựng khu dân cư văn hóa, vệ sinh môi trường, vệ sinh đường làng khu ấp; vận động người dân ăn sạch, uống sạch, ở sạch; thu gom phân loại rác, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; giữ gìn vệ sinh nguồn nước; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà, mỗi tuần dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy, bảo đảm vệ sinh trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị, khu du lịch, khu dịch vụ, nơi công cộng.

 KIM HÀ