Phong trào xây dựng giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị: Thành công ngoài mong đợi

Cập nhật: 27-04-2011 | 00:00:00

Kỳ 1. Ngọn lửa phong trào

Năm 2010 là năm thứ 14 liên tiếp Bình Dương thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị (CTĐT-CTĐT). Đúng như nhận định ban đầu, ngọn lửa phong trào vẫn hừng hực tỏa sáng, mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế - xã hội và cộng đồng dân cư.

Thành công lớn

Năm 2010 là năm đầy khó khăn, thách thức cho nền kinh tế do chịu ảnh hưởng của cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu và giá cả thị trường không ổn định, nhưng với chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, cộng với tinh thần năng động sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng GTNT-CTĐT. Kết quả thực hiện đạt 180% số lượng công trình và 212% về vốn so kế hoạch đầu năm với tổng kinh phí đầu tư 326,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chiếm tỷ lệ cao nhất (80%), phần còn lại là vốn huy động các nguồn lực xã hội, trong đó nhân dân đóng góp 7,87%, bằng 25,7 tỷ đồng; huy động nguồn giải tỏa không đền bù chiếm 6,93%, bằng 22,6 tỷ đồng...

 

Với sự đồng thuận của nhân dân, nhiều công trình GTNT được xây dựng khang trang

Dẫn đầu phong trào này là TX.TDM với 301 công trình, có tổng chiều dài 35,7km, kinh phí 106,4 tỷ đồng. Kế tiếp là huyện Bến Cát 128 công trình có chiều dài 83,3km với kinh phí 63,4 tỷ đồng. Đứng thứ ba là huyện Tân Uyên với 36 công trình có chiều dài 42,2km, kinh phí 20,4 tỷ đồng. Các địa phương còn lại đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Nguyên nhân của thắng lợi trên là do đại bộ phận người dân đều rất ủng hộ phong trào, thấy được lợi ích thiết thực của việc làm đường GTNT-CTĐT. Ngay từ đầu năm các chủ đầu tư đã chủ động phối hợp để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, rút ngắn thời gian làm thủ tục, bảo đảm tiến độ thi công công trình. Năm 2010 dù có nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các cấp, các địa phương đã tiếp tục gặt hái thành công lớn trong phong trào làm đường GTNT-CTĐT.

Để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ tiến trình đô thị hóa của tỉnh nhà, trong năm 2011 và các năm tiếp theo khi đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nên cố gắng thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa và kết hợp với đầu tư hệ thống thoát nước, chiếu sáng, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Tiếp lửa cho phong trào

Tổng kết phong trào xây dựng GTNT-CTĐT năm 2010 ngoài 3 địa phương dẫn đầu phong trào được UBND tỉnh tặng bằng khen còn có 21 xã, phường khác của 7/7 huyện, thị được Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, cán bộ và nhân dân huyện Phú Giáo còn được Bộ trưởng Bộ GTVT tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào phát triển GTNT miền núi; cán bộ và nhân dân xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát; xã Tân Long, huyện Phú Giáo được Bộ GTVT tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển GTNT miền núi năm 2010.

Tiếp tục phát huy thành quả đạt được, tập trung công sức, trí tuệ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững phong trào trong giai đoạn mới cần phải tạo ra luồng sinh khí mới, năng lượng mới phù hợp với nhu cầu phát triển. Sở GTVT, đơn vị nòng cốt thực hiện phong trào đã đề nghị thay đổi tên gọi “Phong trào xây dựng GTNT-CTĐT” thành “Phong trào làm đường giao thông do xã, phường, thị trấn quản lý”; sửa đổi Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 27-3-2008 của UBND tỉnh Bình Dương về Ban hành tiêu chuẩn thi đua khen thưởng cho phong trào xây dựng GTNT- CTĐT. Thay vào đó Sở GTVT đề xuất hình thức, tiêu chuẩn thi đua khen thưởng mới, theo đó hàng năm UBND tỉnh tổ chức xem xét thành tích, xếp hạng công trình dựa trên vốn đầu tư, quy mô, tiêu chuẩn, hiệu quả vận động... để xếp hạng với mức khen thưởng là bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh kèm tiền thưởng cho hạng nhất toàn tỉnh là 500 triệu đồng; hạng nhì 400 triệu đồng và hạng ba là 300 triệu đồng. Các huyện, thị đạt thành tích xuất sắc được UBND tỉnh tặng cờ thi đua. Mỗi huyện, thị trong tỉnh được xét chọn tối đa 3 phường, xã đề nghị UBND tỉnh xem xét, tặng bằng khen và tiền mặt để tiếp tục đầu tư vào công trình GTNT của địa phương với mức thưởng: hạng nhất cho xã, phường, thị trấn là 200 triệu đồng; hạng nhì 150 triệu đồng; hạng ba 100 triệu đồng. Trường hợp có huyện, thị đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong năm hoặc được xếp hạng nhất 3 năm liên tiếp sẽ được UBND tỉnh xem xét khen thưởng loại đặc biệt hoặc đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT khen thưởng... Những đề xuất khen thưởng mang tính đột phá trên sẽ là nguồn năng lượng mạnh mẽ tiếp tục làm bùng lên ngọn lửa phong trào làm đường GTNT-CTĐT mà Bình Dương đã thực hiện thành công từ hơn 14 năm qua.

DUY CHÍ

Kỳ 2:  Nhìn lại để phát triển

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam: Khen thưởng phải xứng đáng với thành tích, công lao người thực hiện

Trước đây, chúng ta quen làm theo kiểu đến cuối năm thì bình xét, lập danh sách gửi lên cấp trên chờ đến năm sau nhân hội nghị tổng kết phong trào rồi mời địa phương lên tỉnh, sở để nhận, hoặc nhắn gửi theo kiểu “có bằng khen, cờ thi đua rồi đó cử người lên nhận đi”! Cách làm đó vừa không khích lệ được tinh thần, vừa thiếu tôn trọng công lao đóng góp, sức phấn đấu của người thực hiện. Tới đây phải tổ chức khen thưởng đúng mức, tôn vinh công lao, thành tích của tập thể, cá nhân thực hiện, vì được kết quả trên là cả một quá trình lao động, vận động, phấn đấu rất lớn! Có tiền thì khen nhiều, ít tiền thì cũng phải tổ chức nghiêm trang vì “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Đánh giá đúng, khen thưởng kịp thời sẽ phát huy tốt phong trào.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=329
Quay lên trên