Phong trào xây dựng giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị: Thành công ngoài mong đợi

Cập nhật: 28-04-2011 | 00:00:00

Kỳ 2: Nhìn lại để phát triển

Sở GTVT cho biết, công tác vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia phong trào ngày một khó do “vướng” quy định về phí, lệ phí và huy động nhân dân của chính phủ. Nguyên vật liệu phục vụ xây dựng GTNT-CTĐT chủ yếu là sỏi đỏ cũng không đủ đáp ứng do thủ tục quá rườm rà, nên cần thay đổi tên phong trào cho phù hợp điều kiện thực tiễn và tăng giá trị khen thưởng để khích lệ tinh thần của các tập thể, cá nhân... Trước khi bàn đến cái mới, cần nhìn lại những việc đã làm được để tránh bị bở ngỡ do thiếu thực tế!

Đổi tên để dễ thực hiện phong trào?!

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Bá Luận: “Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình đô thị hóa tỉnh nhà, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện là cần thay đổi tên gọi “Phong trào GTNT-CTĐT” thành “Phong trào làm đường giao thông do xã, phường, thị trấn quản lý”. Sửa đổi quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 27-3 của UBND tỉnh Bình Dương về ban hành tiêu chuẩn thi đua - khen thưởng cho phong trào GTNT-CTĐT. Thay vào đó là dự thảo quyết định khen thưởng mới với mức thưởng cho cấp huyện thị từ 300 đến 500 triệu đồng cho mỗi thứ hạng; Đối với cấp xã, phường mức khen thưởng từ 100 đến 200 triệu đồng... nhằm động viên, khích lệ tinh thần tập thể, cá nhân và người dân tham gia phong trào xây dựng công trình GTNT-CTĐT.

  Làm đường GTNT cần sự góp sức của nhiều thành phần trong xã hộiCòn việc đổi tên phong trào là ngành GTVT muốn “chuyển” trách nhiệm hiện nay về cho các xã, phường, thị trấn để chỉ nhận phần chuyên môn trong việc thiết kế, thẩm duyệt, góp ý cho các công trình. Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh thẳng thắn nêu ý kiến: “Đổi tên phong trào sẽ không giải quyết được khó khăn mà còn làm mất đi khí thế đang lên của phong trào. Muốn giải quyết khó khăn cần phải nghiên cứu cách vận động mới, thiết thực hơn, phù hợp với tiêu chí nông thôn mới. Bởi vì tiêu chí làm đường nông thôn của chương trình mới vẫn thấp hơn đường GTNT do chúng ta thực hiện lâu nay là 3,5m so với 5m đến 7 mét”.

Cần chủ động lựa chọn công trình

“Hiện tại nhiều công trình lớn, công trình trọng điểm thường bị kéo dài thời gian, chậm tiến độ thi công do vướng đền bù, giải tỏa, điều chỉnh giá, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các hộ đầu tuyến, các đoạn đường cong. Nhân dân đồng tình tự giải tỏa không đền bù nhưng yêu cầu lấy tim đường hiện hữu chia đều ra hai bên dẫn đến trường hợp bình đồ tuyến không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu, không bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan... dẫn đến nhiều tình huống rất khó khăn cho chính quyền địa phương giữa việc đáp ứng yêu cầu sử dụng về  lâu dài và sự đồng thuận của người dân khi triển khai công trình”- Sở GTVT nêu khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam nhận xét: “Phong trào xây dựng GTNT-CTĐT thời gian qua cho thấy có đoạn đường chỉ hơn vài trăm mét thuộc khu dân cư ở TX.TDM mà kinh phí đền bù lên đến vài tỷ đồng chưa kể xây dựng. Số tiền đó mang về nông thôn ta làm được bao nhiêu cây số đường, phục vụ bao nhiêu con người, trong khi đầu tư, cải tạo vài trăm mét đường trong khu dân cư như thế xã hội nhận được gì? Trong khi đó, các công trình GTNT-CTĐT đều có khối lượng nhỏ, vốn đầu tư thấp, thời gian thực hiện nhanh, ít vướng giải tỏa... nên cần phải chủ động lựa chọn công trình để tránh khó khăn, bế tắc”.

Một khó khăn khác là nguồn nguyên vật liệu chính cung cấp cho các công trình nói chung và công trình GTNT-CTĐT nói riêng là sỏi đỏ ngày càng khan hiếm về nguồn cũng như về khối lượng. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục khai thác sỏi đỏ phục vụ thi công công trình giao thông, GTNT tuy đã được cải tiến nhưng nhìn chung vẫn còn mất rất nhiều thời gian... Đối chiếu khối lượng công trình và tổng kinh phí cho phong trào xây dựng GTNT-CTĐT hàng năm lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng (326 ngàn tỷ đồng năm 2010) cho thấy khối lượng nguyên vật liệu là rất lớn. Sao Ban chỉ đạo không dành một phần nhỏ/tổng kinh phí thực hiện để đầu tư cho nghiên cứu vật liệu, thậm chí xin thành lập cả một doanh nghiệp chuyên khai thác, cung cấp vật liệu xây dựng cho phong trào xây dựng GTNT-CTĐT để vừa dễ quản lý, khắc phục được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vừa sinh lợi để góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đóng góp của nhân dân. Nếu nhìn lại Chỉ thị 24/2007/CT-TTg được ban hành từ năm 2007, đến nay đã gần 5 năm, thời gian này không đủ dài để ngành GTVT tìm ra phương pháp vận động mới, để phải kêu khó khi vận động nhân dân, doanh nghiệp? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam kết luận: “GTNT hay đường gì thì cũng đều do Nhà nước quản lý. Do ngân sách eo hẹp nên chúng ta phải vận dụng, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng, tỷ lệ 70/30; 60/40 hay thế nào là do chúng ta. Đã qua 14 năm thực hiện, công việc ngày một khó do việc dễ chúng ta đã làm hết rồi; các văn bản pháp quy cũng đã phát huy hiệu lực, buộc chúng ta phải tìm ra cách làm mới đó là kinh phí xây dựng công trình GTNT-CTĐT là của Nhà nước, nhân dân chỉ tham gia giải phóng mặt bằng theo tiêu chuẩn chung: mặt đường 5-7 mét có mương thoát nước và đèn chiếu sáng hai bên. Đừng ép dân làm việc của Nhà nước theo kiểu tỷ lệ phần trăm như trước đây nữa”!

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Phú Hữu Minh: Phát huy dân chủ trong thực hiện phong trào

Thực tế có rất ít công trình GTNT-CTĐT được công khai báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế, quy mô, kinh phí... cho dân theo dõi, kiểm tra, từ đó làm giảm chất lượng công trình.Tới đây cần phát huy dân chủ trong thực hiện phong trào theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để huy động tốt sức mạnh trong dân.

Phó chủ tịch UBND xã Chánh Phú Hòa (Bến Cát) Nguyễn Thanh Tùng: Người dân rất ủng hộ phong trào

Nhờ được phân cấp quản lý công trình quy mô dưới 3 tỷ đồng, cộng với tiêu chuẩn đường GTNT mới phải được láng nhựa hoặc bê tông hóa, tiêu chuẩn mặt đường từ 5 đến 7 mét, có mương thoát nước hai bên. Kinh phí của nhà nước, nhân dân chỉ tham gia giải phóng mặt bằng, không nhận đền bù hoa lợi, vật kiến trúc... đã giúp địa phương thực hiện được nhiều công trình mới vừa giải quyết tốt vấn đề đi lại, học hành vừa làm gia tăng giá trị tài sản của bà con, lại góp phần làm đẹp bộ mặt xã hội nên nhân dân rất ủng hộ.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=369
Quay lên trên