Các quan chức Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 21-3 cho biết đã phát hiện độ phóng xạ cao gấp 1.600 lần so với mức bình thường tại khu vực cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 khoảng 20km.
Số liệu do các chuyên gia của IAEA đo được cho thấy mức độ phóng xạ tại thị trấn Namie thuộc tỉnh Fukushima là 161 microsievert/giờ. Tuy nhiên, mức phóng xạ có thể gây tổn hại sức khỏe con người là 1.000 microsievert/giờ trong 1 năm.
Khói bốc lên từ khu vực lò phản ứng số 3 của nhà máy điện Fukushima 1 ngày 21-3.
Sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy Fukushima do ảnh hưởng của động đất, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập vùng cấm trong phạm vi bán kính 20km quanh nhà máy, người dân sống trong phạm vi bán kính 20-30km quanh nhà máy được khuyến cáo chỉ ở trong nhà.
Trong khi đó, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy Fukushima cho biết sáng 22-3 khói và hơi nước lại bốc lên từ lò phản ứng số 2 và số 3 của nhà máy bị hư hại sau động đất.
Trước đó, hiện tượng tương tự xảy ra tại hai lò phản ứng này chiều 21-3 đã khiến hoạt động bơm nước làm mát bể chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và khôi phục nguồn điện tạm thời dừng lại. TEPCO khẳng định khói bốc lên từ lò phản ứng hạt nhân số 2 là hơi nước, trong khi khói từ lò số 3 được cho là bốc lên từ đống đổ nát.
TEPCO cho biết lò phản ứng số 1 và số 4 tại nhà máy Fukushima số 1 đã được khôi phục nguồn điện. Hoạt động khôi phục nguồn điện cho lò số 3 (lò phản ứng cuối cùng chưa có điện) sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay (22-3).
TEPCO cũng đã bắt đầu nghiên cứu tác động của sự cố hạt nhân đối với nước biển sau khi ngày 21-3 phát hiện lượng phóng xạ cao trong nước biển gần nhà máy Fukushima.
Theo TEPCO, kết quả kiểm tra các mẫu nước biển cho thấy lượng phóng xạ iodine - 131 trong nước biển cao gấp 126,7 lần so với giới hạn cho phép, trong khi cesium - 134 cao gấp 24,8 lần, cesium - 137 cao gấp 16,5 lần.
Ban lãnh đạo TEPCO cho biết công ty sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành đánh giá mức độ nhiễm xạ ở nước biển. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cũng khẳng định chính phủ sẽ tiến hành điều tra nguy cơ nhiễm phóng xạ đối với các sản phẩm hải sản.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 22-3 bơm thêm 2.000 tỷ yên (khoảng 24,7 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ nhằm hỗ trợ các thể chế tài chính khắc phục hậu quả sau thảm họa thiên tai. Đây là đợt bơm tiền thứ 6 liên tiếp của BOJ kể từ sau thảm họa, tổng số tiền hiện lên tới 40.000 tỷ yên (khoảng 494 tỷ USD).
Theo số liệu thống kê do Cảnh sát Nhật Bản công bố vào trưa 22-3, số người thiệt mạng do trận động đất và sóng thần vừa qua đã lên đến 9.070 người, 12.645 người vẫn mất tích.
Theo TTXVN