Huyện Phú Giáo với điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Trong những năm qua trên địa bàn Phú Giáo ngoài sự phát triển mạnh mẽ các loại cây trồng như cao su, tiêu, điều, các vật nuôi như gà, heo rừng lai, các cây ngắn ngày như rau, đậu... thì trong thời gian gần đây người dân Phú Giáo đã phát triển thêm cây nấm.
Trang trại nấm của ông Nguyễn Sĩ Hồng Năm- thị trấn Phước Vi4nhh bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao
Trước những yêu cầu về sự phát triển một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, năm 2009, Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo đã xây dựng dự án về phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn huyện. Nói về mục đích của dự án phát triển nghề trồng nấm, ông Nguyễn Tấn Long, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo - Chủ nhiệm dự án cho biết: Nấm ăn là những chủng nấm không có độc tố được nhân dân ta sử dụng từ xa xưa như nấm rơm, nấm bào ngư, nấm hương, nấm mèo, nấm linh chi... với thành phần dinh dưỡng cao, giàu chất khoáng, các axit amin và các vitamine quan trọng đối với cơ thể con người; ngoài ra nấm ăn còn có khả năng phòng ngừa và chữa một số loại bệnh. Nhưng trên hết nấm ăn là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi nhuận lớn cho người trồng nấm. Xuất phát từ những giá trị trên, đặc biệt từ điều kiện tự nhiên của huyện Phú Giáo, nên chúng tôi đã có chủ trương xây dựng dự án phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn huyện với mong muốn góp phần tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo. Bước đầu chúng tôi triển khai thực hiện mô hình thực nghiệm với 30 hộ dân ở các xã An Bình, Phước Hòa, Vĩnh Hòa, Phước Vĩnh với các loại nấm như bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi, nấm rơm, trong đó chủ lực vẫn là nấm bào ngư. Từ đó chúng tôi sẽ triển khai phát triển rộng rãi trong nhiều hộ dân.
Thực hiện đề án này, Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo đã phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật trồng nấm, đồng thời hỗ trợ nông dân về vốn, giống, tổ chức cho người trồng nấm tham quan học tập kinh nghiệm trồng nấm ở các tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh... Trong số 30 hộ triển khai dự án nổi lên nhiều hộ gia đình trồng nấm có hiệu quả như hộ ông Nguyễn Sĩ Hồng Năm ở thị trấn Phước Vĩnh với việc trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mèo và nấm rơm, hộ ông Vũ Văn Hưng với mô hình nấm bào ngư đem lại năng suất cao hơn 2 tấn/một vụ thu hoạch và nhiều hộ gia đình khác.
Phấn khởi trước những kết quả đem lại bước đầu triển khai dự án, ông Nguyễn Tấn Long nói: Bước đầu thực hiện dự án các hộ dân đã áp dụng đúng phương pháp và kỹ thuật sản xuất; tất cả các hộ dân thực hiện dự án nấm đều đạt và vượt năng suất rất cao, trong đó nấm bào ngư bình quân của tất cả các hộ tăng 51% so với định mức, có những hộ đạt 200% định mức như hộ ông Vũ Xuân Tuấn ở An Bình, ông Phạm Ngọc Vinh ở Vĩnh Hòa; đối với nấm mèo năng suất bình quân tăng 6%, có những hộ năng suất tăng tới 60%. Kết thúc bước đầu dự án các hộ đã thu được 15,3 tấn nấm bào ngư tươi; 4,335 tấn nấm mèo khô với tổng doanh thu hơn 684 triệu đồng, trong đó doanh thu từ nấm bào ngư là 229,5 triệu đồng, doanh thu từ nấm mèo hơn 455 triệu đồng. Ngoài ra còn doanh thu từ nấm linh chi và nấm rơm cũng khá cao”.
Với những hiệu quả bước đầu triển khai thực hiện dự án có thể khẳng định dự án này sẽ mở ra một bước đi mới cho người nông dân huyện Phú Giáo trong việc đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời sẽ góp phần vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, qua đó góp phần vào mục tiêu giảm nghèo của huyện trong những năm tới. Để dự án phát triển nghề trồng nấm của huyện Phú Giáo ngày càng có hiệu quả thì việc quan tâm hỗ trợ, đầu tư từ phía Nhà nước đối với nông dân là một yêu cầu cần thiết để trong tương lai nghề trồng nấm ở Phú Giáo sẽ trở thành một nghề phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao, phát triển một ngành nghề bền vững.
HOÀI PHƯƠNG