Phú Giáo: Nhiều mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ sáu, ngày 05/03/2010

Việc chăn nuôi tập trung với các loại con giống số lượng lớn như gà, heo, cá... từ lâu đã trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng đã xây dựng thành công mô hình kinh tế với những giống cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phú Giáo là một huyện có nhiều mô hình mới. Nông dân tại đây đã biết tận dụng ưu thế của một huyện thuần nông để phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tận dụng những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện, thời gian qua nông dân huyện Phú Giáo đã phát huy tối đa những lợi thế này và xây dựng nên những mô hình kinh tế trang trại nhỏ mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Biếc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết những năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân thành lập các mô hình kinh tế hiện đại và bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ngoài việc được hướng dẫn để hình thành nên các mô hình từ các cấp chính quyền, nhiều nông dân đã tự mày mò, tìm hiểu để xây dựng nên những mô hình trang trại phù hợp với điều kiện cụ thể của gia đình. Những mô hình mới như nuôi gà sao của anh Mai Thế Hệ tại ấp Bàu Trư, xã An Bình; mô hình nuôi dế, nuôi chim bồ câu ở xã Phước Hòa; chăn nuôi bò sinh sản ở An Bình, Phước Vĩnh, Tam Lập, An Linh; mô hình chăn nuôi gà, nuôi cá, nuôi heo siêu nạc; mô hình chăn nuôi hỗn hợp nhiều loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cá sấu, cá rô đồng, ba ba, đà điểu, heo rừng của ông Phùng Văn Thức ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập; mô hình nuôi nhím của anh Nguyễn Xuân Xốp ở xã An Linh... Đây đều là những mô hình kinh tế trang trại tiêu biểu, hiệu quả góp phần nâng cao mức sống của các hộ dân nông thôn.

Khi hình thành các mô hình này, nhiều nông dân tại đây đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan chức năng trên địa bàn như Hội Nông dân, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện... bằng các chương trình như hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, tổ chức học tập chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hiện đại; tập huấn, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả tại các địa bàn khác; hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Chính từ những chương trình, chính sách hỗ trợ hiệu quả này mà nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng nên những mô hình hiệu quả, phát huy tốt lợi thế của một huyện thuần nông, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong tình hình mới.

Các mô hình chăn nuôi mới nói trên đã từng bước nâng cao mức thu nhập của nông dân. Một số mô hình chăn nuôi đã nâng mức thu nhập từ vài chục triệu đồng lên hàng trăm triệu đồng; cá biệt có hộ nhờ chăn nuôi mà có mức thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Việc nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nên những mô hình kinh tế với những giống cây trồng, vật nuôi mới của nông dân huyện Phú Giáo và nông dân các huyện khác là một xu thế tất yếu phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nông sản có chất lượng ngày càng cao của thị trường. Để có thể tiếp tục duy trì và hình thành nên những mô hình kinh tế trang trại mới kiểu này, nông dân Phú Giáo nói riêng và nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan hữu quan và các cấp chính quyền.

CAO SƠN