Phụ nữ Bình Dương: Hiệu quả từ các phong trào thi đua

Cập nhật: 08-03-2010 | 00:00:00

Thông qua những hội thi, chiến dịch truyền thông… hội tuyên truyền nâng cao kiến thức, trình độ cho chị em phụ nữ

Phong trào thi đua “Phụ nữ (PN) tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong 5 năm qua (2006-2010) đã gặt hái được nhiều thành công. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình trong phong trào làm kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con cái thành đạt... đặc biệt, nhiều gia đình khó khăn đã dần có cuộc sống ổn định.

Nâng cao năng lực cho chị em PN

Phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của người PN. Cụ thể là xây dựng người PN Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo và có lòng nhân hậu được các cấp hội quan tâm và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bà Trần Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để phù hợp với từng đối tượng chị em, hội đã từng bước cải tiến nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Thông qua các lớp tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động hội hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tổ, chi hội... các cấp hội đã tuyên truyền đến các tầng lớp PN về chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, trong đó chú trọng đến những vấn đề liên quan đến chị em PN như Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bình đẳng giới... Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình như chị Huỳnh Thị Tuyết Hạnh (Tân Đông Hiệp, Dĩ An), Bùi Thị Linh Kỳ (Tân Định, Tân Uyên) hay chị Mai Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Giao (Thuận An)...

Thi đua phát triển kinh tế

Phong trào hỗ trợ PN phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng được xem là một phong trào hợp lòng chị em, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua các hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi, giải quyết việc làm, xây dựng mái ấm tình thương... đã giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo. Từ đó nền tảng gia đình hạnh phúc cũng được vững chắc hơn.

Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn như khai thác các nguồn vốn nhàn rỗi trong nội bộ hội viên PN thông qua phong trào giúp nhau không tính lãi, chương trình Ngày tiết kiệm vì PN nghèo... Ngoài ra, hội còn tín chấp vay vốn ngân hàng, vốn từ các tổ chức phi chính phủ... các cấp hội đã hỗ trợ cho trên 8.300 lượt cán bộ, hội viên PN nghèo với tổng số tiền gần 220 tỷ đồng.

Để giúp các hộ vay vốn làm ăn hiệu quả, hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Khuyến công, Hội Nông dân... tập huấn về việc nâng cao năng lực giảm nghèo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song song đó, hội còn quan tâm đến công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho PN, nhất là PN nông thôn, PN các khu vực chuyển đổi cơ cấu kinh tế. 5 năm qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm PN đã đào tạo nghề cho gần 8.800 hội viên và cùng với các huyện, thị hội giới thiệu trên 9.000 chị em có việc làm ổn định.

Ngoài việc hỗ trợ của hội thì sự vươn lên của các chị rất đáng biểu dương. Điển hình như Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân Bình Dương đã có nhiều hoạt động cụ thể để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tìm hiểu thị trường... Không chỉ làm giàu cho bản thân, các chị còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là chị em PN.

Xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”

PN là nhân tố quan trọng để xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, vì vậy hội đã xây dựng các hoạt động thiết thực để hỗ trợ chị em PN trong lĩnh vực này.

Bà Trần Thị Liên cho biết thêm, thời gian qua, hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để hỗ trợ kiến thức, tổ chức nói chuyện chuyên đề, chiến dịch truyền thông... về nâng cao nhận thức, trách nhiệm của PN, nam giới và cộng đồng trong việc xây dựng gia đình chấp hành tốt pháp luật, chính sách về hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là sức khỏe sinh sản, kiến thức dinh dưỡng cho bà mẹ có trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em... Qua công tác tuyên truyền, giáo dục, chị em tham gia các buổi sinh hoạt tại cơ sở ngày càng đông với khoảng 1,3 triệu lượt hội viên tham dự với gần 29.000 cuộc.

Thực hiện “Việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội về tệ nạn xã hội”, Tỉnh hội đã chỉ đạo thành lập 2 CLB điểm về phòng chống ma túy ở xã Lai Hưng (Bến Cát) và Đông Hòa (Dĩ An). Sau đó, nhân rộng được 36 CLB với 905 thành viên; duy trì 113 tổ, nhóm có 1.397 PN “vận động người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội”...

Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu đáng trân trọng như chị Nguyễn Thị Thu (An Điền, Bến Cát), Vương Thị Thanh Lan (thị trấn Dầu Tiếng)...

Có thể nói, phong trào thi đua đã giúp PN vươn lên. Ngày càng nhiều chị em biết làm giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con cái thành đạt... đã minh chứng cho điều đó.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên