Trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2022, Làng Đổi mới sáng tạo mở xã hội đã tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ trong đổi mới sáng tạo” nhằm tạo cơ hội để giao lưu và kết nối, chia sẻ, khuyến khích mỗi một cá nhân đổi mới sáng tạo trong chính ngành nghề và lĩnh vực của mình.
Công nghệ thúc đẩy bình đẳng giới
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, nhấn mạnh: “Năng lực của phụ nữ hoàn toàn không khác hay thua kém nam giới, thậm chí còn có những thế mạnh nổi trội hơn. Tôi rất mong chờ được lắng nghe các sáng kiến đổi mới sáng tạo truyền cảm hứng của doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ, đúng theo tinh thần “đổi mới - kiến tạo và truyền cảm hứng”.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD - United Way Việt Nam, Trưởng làng Đổi mới sáng tạo mở xã hội, chia sẻ hiện nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài đóng vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm như sử dụng nhiều lao động nữ, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, phụ nữ khởi nghiệp, lãnh đạo cũng gặp rất nhiều các rào cản để phát triển.
Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn “Phụ nữ trong đổi mới sáng tạo”
Bà Hooyoung Young, Phó Chủ tịch UWW Worldwide, cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn mà không chỉ các ngành nghề cần hợp tác với nhau để tạo ra tác động. Đơn cử như chương trình Shinhan Square Bridge làm việc với các startup để mang lại giải pháp công nghệ không chỉ giúp đỡ những nhóm yếu thế nhằm thúc đẩy hòa nhập, mà còn là việc bảo đảm sự cân bằng lao động giữa nam và nữ. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, sự kiện này là cơ hội để cùng học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Bà Jeaney You, thành viên của WIN (Women Innovation in Korea - Phụ nữ Đổi mới ở Hàn Quốc), Hiệp hội các nữ giám đốc điều hành của Hàn Quốc, đồng thời là nhà đồng sáng lập và Giám đốc Thương hiệu của Tictoc Croc, một trong các startup được lựa chọn tham gia vào dự án Shinhan Square Bridge năm 2022 chia sẻ về mô hình giải pháp công nghệ mà Tictoc Croc đem lại, đồng thời chia sẻ quá trình làm thế nào để phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo xã hội, nâng tầm quốc tế. Tictoc Croc mang tới các giải pháp công nghệ thông minh hướng tới trẻ em với mục đích thu hẹp khoảng cách giáo dục thông qua giáo dục kỹ thuật số hiệu quả cho trẻ em trong độ tuổi đi học từ các gia đình thu nhập thấp ở Việt Nam.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp
Bà Phan Ngọc Hiếu, sáng lập Maypaperflower (Hoa giấy nghệ thuật Huế) chia sẻ câu chuyện ứng dụng đổi mới sáng tạo để kế thừa và phát triển làng nghề truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên có tuổi đời hơn 300 năm tại Huế. Theo bà Phan Ngọc Hiếu, việc theo đuổi không chỉ là để gìn giữ nghề làm hoa giấy với nhiều giá trị văn hóa tinh thần mà còn đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương. “Bản thân tôi cũng có những thách thức phải đối mặt, trong đó bài toán khó nhất là cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và gia đình. Vì vậy, phụ nữ cũng cần những người thân trong gia đình tin tưởng, ủng hộ và hỗ trợ để có thể yên tâm sống với đam mê của mình”, bà Hiếu tâm tình.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUp chia sẻ thêm, đối với BambuUp, mong muốn và luôn đặt ưu tiên hỗ trợ cho các startup có lãnh đạo là nữ, những áp lực đặt trên phụ nữ còn quá nặng nề. “Các nữ lãnh đạo vẫn đang là nhóm đối tượng nhận được rất nhiều ưu tiên cả về chính sách của các cơ quan quản lý cũng như định hướng của các quỹ, các nhà đầu tư. Phụ nữ hãy tận dụng điều này để bứt phá và làm những điều mình muốn”, bà Hằng chia sẻ trong phiên tọa đàm “Dỡ bỏ rào cản - Nâng cao vị thế của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo”.
Tại diễn đàn, đại biểu đã thảo luận sôi nổi với thông điệp “Phụ nữ có thể” nhằm truyền cảm hứng để phụ nữ bứt phá, sẵn sàng phát huy tiềm năng tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
MINH DUY