Phụ nữ Việt Nam chủ động thực hiện bình đẳng giới trong thời đại công nghiệp 4.0

Cập nhật: 20-10-2023 | 09:54:24

(BDO) Trong lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn. Bác Hồ đã từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Truyền thống quý báu đó luôn là điểm tựa để phụ nữ nước ta nỗ lực vươn lên trong thời đại mới.

Phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của dân tộc và chế độ xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện bình đẳng giới, chăm lo tạo điều kiện để phụ nữ thể hiện khả năng, đóng góp sức lực, trí tuệ cho cộng đồng, đất nước và khẳng định vị thế xã hội của giới mình.



Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thuận An phối hợp tặng quà cho trẻ em đang điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố. Ảnh: Huỳnh Thủy

Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò và vị thế quan trọng trong xã hội. Ở gia đình, người phụ nữ Việt Nam được coi là “nội tướng”, có vai trò to lớn trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy thế hệ trẻ, góp phần duy trì nòi giống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua việc thực hiện bình đẳng giới ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhất là khi bước vào thời đại công nghiệp 4.0. Vậy những vấn đề đó là gì? Phụ nữ Việt Nam cần làm gì để đạt bình đẳng giới thực sự trong thời đại công nghiệp 4.0?

Những khó khăn, thách thức từ đặc thù về giới 

Về khách quan, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất cả các lĩnh vực, nhưng trước hết là trong lĩnh vực công nghệ thông tin - kỹ thuật số; dự báo có tới 97% các nghề nghiệp trong tương lai sẽ đòi hỏi kỹ năng số. Tuy nhiên, hiện nay quan niệm xã hội phổ biến vẫn cho rằng công nghệ thông tin là lĩnh vực chỉ dành cho nam giới, vì nó đòi hỏi chiều sâu tư duy; rằng phụ nữ khó có thể tiếp thu và làm việc tốt trong lĩnh vực này. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chuyển mạnh sang tự động hóa và không ngừng nâng cao chất lượng người lao động. 

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, ở Việt Nam trong 10 năm tới, những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động, gồm: Nhiều nhất là dệt may và da giày, tới 86% lao động; tiếp đến là nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn bán lẻ, từ 46 - 70% lao động. Những việc làm do phụ nữ đảm nhiệm có thể bị chuyển sang tự động hóa cao hơn gấp 2,4 lần so với nam giới; nếu phụ nữ không chủ động trang bị kỹ năng số sẽ có nguy cơ cao bị mất việc.

Một bộ phận trong xã hội ta và giới chủ đến từ một số quốc gia khác, vẫn chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng trọng nam, khinh nữ, thói gia trưởng và các hủ tục… gọi chung là định kiến giới. Những hủ tục liên quan đến phân biệt nam và nữ giới thường tồn tại trong những phong tục, tập quán, quan niệm tôn giáo được truyền qua nhiều thế hệ, nhất là với các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, có thể dẫn đến nhận thức lệch lạc, đánh giá thiếu khách quan về vai trò của phụ nữ và những hạn chế trong việc trao cơ hội phát triển cho phụ nữ. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành ở nước ta, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn khá nhiều so với nam giới đã làm mất đi cơ hội thể hiện bản thân của phụ nữ. 

Ở nhiều nơi (cả trên không gian mạng) vẫn đang tồn tại, lan truyền, các hành vi bạo hành trong gia đình, bạo lực xã hội, buôn bán, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, tính mạng của phụ nữ và trẻ em gái nhưng chưa được xử lý hiệu quả. Một số vùng miền núi, nông thôn, một số dân tộc thiểu số, vẫn còn tình trạng tảo hôn. Một số phụ nữ bị cản trở đến trường, không được tham gia vào hoạt động xã hội, gây ra những khó khăn cho việc cải thiện đời sống của bản thân họ.

Xét từ chủ quan về giới của phụ nữ, đại đa số phụ nữ phải thực hiện đồng thời hai chức năng, vừa có thiên chức làm vợ, làm mẹ, lại vừa mang các nghĩa vụ xã hội như người công dân, người lao động… Ngoài xã hội, phụ nữ phải lao động giống như nam giới, còn trong gia đình, người phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ: Làm các công việc nội trợ, lo cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái... Để làm tròn cả hai vai, người phụ nữ phải tốn rất nhiều sức lực và thời gian, khiến họ có ít, thậm chí không còn thời gian để nghỉ ngơi, để học tập nâng cao trình độ và chăm lo cho chính bản thân. 


Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú An, TX.Bến Cát “tiếp sức học sinh đến trường”. Ảnh: Huỳnh Thủy

Hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ phụ nữ, nhất là ở nông thôn, miền núi có tư tưởng an phận, muốn lui về làm hậu phương trong gia đình; ngoài xã hội thì còn tâm lý tự ti, e ngại, ít dám bày tỏ chính kiến, thiếu nỗ lực vươn lên để đạt các vị trí cao hơn so với nam giới.

Do những hạn chế đặc trưng về giới, đa số phụ nữ ít có cơ hội học lên cao hơn, bị hạn chế trong tiếp nhận kiến thức ở một số ngành nghề, dẫn tới sự cách biệt trình độ học vấn giữa nam và nữ ngày càng tăng lên, khó tìm việc làm hơn nam giới. Nhiều phụ nữ hiện đại có phản ứng thiếu tích cực để chống lại những khó khăn, định kiến giới, như: Lựa chọn không kết hôn, trì hoãn sinh con, từ bỏ cơ hội tham gia công cuộc chuyển đổi số…

Nỗ lực vượt thách thức, chủ động thực hiện bình đẳng giới trong thời đại 4.0

Trong điều kiện của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, phụ nữ Việt Nam nên chủ động thực hiện tốt một số giải pháp, gồm: Bản thân người phụ nữ phải tự ý thức về việc làm chủ vận mệnh, tương lai của mình, phải tự vượt qua định kiến “nữ nhi thường tình” khi tham gia vào đời sống xã hội. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng, sự tiến bộ của phụ nữ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, một nhân tố có ý nghĩa quyết định chính là mỗi phụ nữ và cả giới phụ nữ phải nỗ lực tự vươn lên, khẳng định mình. Thực tế đã minh chứng, những phụ nữ biết tự lực, tự làm chủ vận mệnh của mình, đều rất thành công trên mọi lĩnh vực.

Cùng với đó, mỗi cá nhân phụ nữ cần biết kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; thường xuyên rèn luyện bản thân theo các phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, cùng khát vọng vươn lên của phụ nữ Việt Nam. Tham gia tích cực và thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Chủ động vượt khó khăn, phấn đấu để đạt được các chuẩn mực cơ bản của người phụ nữ hiện đại: Có năng lực - phẩm chất - sức khỏe tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. 

Bên cạnh đó, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, mỗi phụ nữ cần chủ động tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để thích ứng kịp thời với những yêu cầu mới; biết nắm bắt cơ hội làm chủ cuộc sống, chủ động thử nghiệm đổi mới sáng tạo trong thời đại công nghệ số. Những người có kiến thức, dám đề xuất ý tưởng, đối mặt với thách thức, dám chấp nhận rủi ro sẽ chủ động tạo ra cơ hội cho mình và biết nắm bắt nó. Người phụ nữ cần phát huy những ưu thế giới, như: Đức hy sinh, khiêm nhường, kiên trì và mềm dẻo trong ứng xử… để phát triển bản thân trong môi trường xã hội số.

 Trong gia đình, người phụ nữ đảm đang ở thời đại 4.0 cần phải: Biết ứng dụng những tiến bộ của công nghệ hiện đại vào các công việc nội trợ; biết khéo léo để phân công, lôi cuốn chồng, con cùng chia sẻ việc nhà; biết linh hoạt phân chia thời gian, sức lực cho từng loại hoạt động. Từ đó, phụ nữ sẽ có thời gian cho việc học tập nâng cao trình độ, nghỉ ngơi, giải trí và hưởng thụ các giá trị của cuộc sống. 

Đồng thời, người phụ nữ tích cực tham gia các công tác, phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ, diễn đàn, hoạt động tư vấn; đặc biệt là các diễn đàn do những chuyên gia, nhóm lãnh đạo, doanh nhân, nhà khoa học, nghệ nhân… là nữ giới chủ trì, để làm giàu tri thức, kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bản thân, gia đình và tổ chức. Thường xuyên tham gia rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao phù hợp hoàn cảnh, để có sức khỏe tốt, vóc dáng đẹp, giúp tăng cường sự tự tin, yêu đời.

Để thực hiện tốt bình đẳng giới, bên cạnh những tác động khách quan từ bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội, từ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự tăng trưởng của kinh tế, sự ủng hộ từ nam giới… thì những nỗ lực chủ quan của bản thân người phụ nữ là rất quan trọng. Thời đại công nghiệp 4.0, bên cạnh những thách thức, luôn tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ Việt Nam chủ động vươn lên khẳng định mình. Vì vậy, chị em phụ nữ hãy nỗ lực nắm bắt để đạt được vị thế xứng đáng trong bình đẳng giới.   

Theo thống kê, hiện nay phụ nữ chiếm 50,2% dân số cả nước, 46,5% lực lượng lao động xã hội và chiếm hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam. Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt hơn 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á. 

PHÓ GIÁO SƯ - TIẾN SĨ BÙI TRUNG HƯNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=714
Quay lên trên