Lựa chọn sinh kế như một điểm khởi đầu để giúp người yếu thế thoát nghèo. Xuất phát từ ý nghĩa này, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ, giúp các đối tượng vươn lên, hướng đến xây dựng cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc.
Sinh kế là an sinh
Nằm lọt thỏm trong xóm trọ ở khu phố 4, phường An Phú, TP.Thuận An là tiệm cắt tóc, gội đầu của chị Thái Thị Ngọc Điệp. Gọi là tiệm cho sang, thực ra đây là một phòng trọ được chị Điệp thuê để làm nơi kiếm sống. Là hộ nghèo, khó khăn về tư liệu sản xuất, chị Điệp phải xoay trở nhiều nghề để kiếm sống, nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống. Rồi chị quyết định đi học nghề cắt tóc, gắn bó với cây kéo để mang lại niềm vui cho mọi người. Học xong nghề, chị Điệp không có vốn để mở tiệm, mỗi ngày chị mưu sinh bằng cách lang thang trong khu trọ với tiếng rao “Cắt tóc, làm móng đi…”. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Điệp, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh hỗ trợ sinh kế cho chị 8 triệu đồng để mua sắm đồ nghề và thuê căn phòng trọ trong hẻm làm tiệm cho khách lui tới.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh trao hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn
Theo chị Điệp, mưu sinh bằng nghề này nếu không có sự tỉ mỉ, cần mẫn thì không thể bám trụ được. “Tiệm đơn giản, không cầu kỳ nên để chiều lòng khách thì không dễ và để khách nhớ đến lại càng khó hơn. Tiệm phục vụ chủ yếu là khách bình dân, người lao động, người ở trọ trong xóm trọ hơn 150 phòng này”, chị Điệp chia sẻ. Do muôn hình vạn trạng khách nên với mỗi trường hợp, chị phải thay đổi “gu”, theo sở thích của “thượng đế” để giữ mối. Cứ như vậy, tháng này qua tháng khác, bằng sự cần mẫn của bản thân và sự trợ giúp tinh thần của các cán bộ trong Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo TP.Thuận An, chị Điệp đã thoát nghèo, gắn bó bền chặt hơn với nghề.
Mong muốn thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, chị Nguyễn Thị Thanh Huệ ở ấp Sa Dụp, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, đã đi học nghề lái xe từ chương trình hỗ trợ sinh kế. Với bản tính chăm chỉ, cần cù, cẩn thận, sau khi học lái xe xong, chị Huệ đi lái thuê cho các công ty, cơ sở cần tài xế. Hồi ấy rất ít phụ nữ làm tài xế nên khi bén duyên với nghề, chị được nhiều cơ sở, công ty ưu ái lựa chọn mỗi khi cần. Nhờ chăm chỉ và cẩn thận nên tay lái của chị Huệ cứng cáp, mạnh mẽ không thua gì những đồng nghiệp nam giới.
Do đặc thù công việc ngày làm, ngày nghỉ nên chị tranh thủ thời gian tham gia lớp học nấu ăn. Sau khi tốt nghiệp lớp nấu ăn, chị vay vốn ngân hàng chính sách mua chiếc xe ô tô chạy dịch vụ và thuê mặt bằng ở xã Phước Hòa mở quán cơm. Tất cả mọi việc đều do một tay chị Huệ xoay trở, lúc thì làm tài xế, lúc lại làm đầu bếp hay nhân viên chạy bàn phục vụ khách. Tối đến chị lại tranh thủ chạy về xã Phước Sang bón phân, tưới nước, chăm sóc cho vườn bông thọ bán tết. Hiện nay, gia đình chị đã thoát nghèo, thu nhập mỗi tháng của chị từ các nguồn khoảng 20 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Lắng nghe, thấu hiểu để hỗ trợ
Hiện nay, mong ước của người yếu thế, người nghèo không chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm mà là một cuộc sống hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng sinh kế bền vững. Để tạo sinh kế, tìm hướng đi mới cho họ, cán bộ Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo các cấp thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng” nhằm thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân.
Chị Thái Thị Ngọc Điệp đã thoát nghèo từ sự hỗ trợ sinh kế của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh
“Hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người yếu thế là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững. Thực tế từ các chương trình sinh kế cho thấy để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, điều quan trọng là phải đi sâu, đi sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất cái gì. Mỗi hộ gia đình có điều kiện, hoàn cảnh, năng lực khác nhau nên cán bộ chương trình phải tìm hiểu kỹ, lắng nghe, thấu hiểu cái nghèo trong từng cộng đồng, từng địa phương, gia đình để đưa ra giải pháp hỗ trợ mang lại hiệu quả cao nhất”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, chia sẻ.
Trao sinh kế là một giải pháp “trao cần câu” giúp đỡ người yếu thế, người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, thắm đượm nghĩa tình. Các mô hình hỗ trợ sinh kế của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh không chỉ tạo bước ngoặt giúp nhiều gia đình hội viên, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống, mà còn là tình nghĩa, là yêu thương không thể đong đếm hết.
“Hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người yếu thế là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững. Thực tế từ các chương trình sinh kế cho thấy để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, điều quan trọng là phải đi sâu, đi sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất cái gì”. (Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh) |
KIM HÀ