Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 của Việt Nam: Cần chiến lược phục hồi đồng bộ

Cập nhật: 21-09-2022 | 13:27:27

(Bài tham luận tại Hội thảo chuyển dịch chuỗi cung ứng: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam do UBND tỉnh Bình Dương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức vừa qua)

(BDO) Xu hướng toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập kinh tế thế giới hiện nay đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường sôi động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đại dịch Covid-19 và sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez vào tháng 3-2021, cùng sự thúc đẩy của các nhân tố khác đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy, tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp

Thời gian gần đây, chuỗi cung ứng toàn cầu đã liên tục gặp thách thức. Trước dịch bệnh Covid-19 là những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dòng hàng hóa bị đình trệ. Dịch bệnh Covid-19 diễn ra khiến chuỗi cung ứng đứt gãy do các quốc gia đóng cửa biên giới. Sau đại dịch, căng thẳng Nga - Ukraine khiến chi phí vận chuyển tăng vọt. 


Tiến sĩ Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương

Vấn đề tồn kho lớn cùng với tiêu thụ chậm có thể khiến các nhà sản xuất ngừng làm việc, ảnh hưởng nghiêm trọng làm suy giảm kinh tế thế giới đang diễn ra. Ngoài ra, Trung Quốc thực hiện chính sách zero-Covid đã làm tăng rủi ro trong việc cải thiện chuỗi cung ứng, tác động đến lạm phát và hoạch định chính sách.

Vấn đề cần chú ý của doanh nghiệp (DN) để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng sau đại dịch, đó là: Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của DN vẫn còn nhiều hạn chế, còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để DN thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa đáp ứng kỳ vọng. 

Bên cạnh đó, hạ tầng chưa đồng bộ và chưa đáp ứng đầy đủ. Hiện nay, DN trong nước vẫn chưa thực sự tạo được hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa đang ngày càng lớn. Hoạt động của các cảng biển vẫn còn thực trạng nhiều loại hàng hóa phải bốc dỡ ngoài phao, ngoài luồng do thiếu hạ tầng trong cảng. Ngoài ra, nguồn cung cho thuê kho bãi hiện không đủ đáp ứng nhu cầu do diện tích sàn còn ít, chất lượng dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng chỉ ở mức sơ khai. 

Cùng với đó, giá cước vận chuyển cao và việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn. Giá cước vận chuyển cao, chưa có xu hướng giảm là một trong những thách thức lớn nhất đối với các DN. Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt ở các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ... Gần đây, xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt khiến chi phí xuất, nhập khẩu trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều DN. 



Các đại biểu tham gia Hội thảo chuyển dịch chuỗi cung ứng: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TIỂU MY

Việc chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới khiến cho chi phí hàng hóa của Việt Nam tăng theo, làm giảm lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. 

Đồng thời, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Lĩnh vực sản xuất của các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ lẫn sản phẩm. Phần lớn các DN có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất. Các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của DN, đặc biệt là lao động tay nghề cao. 

Doanh nghiệp cần làm gì?

Việc đứt gãy vận hành chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa kéo dài có thể đẩy nhiều DN vào nguy cơ phá sản do thiếu hụt nguồn cung và thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, việc cung ứng hàng hóa bị thiếu hụt dẫn đến giá cả leo thang, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng, chống dịch bệnh. 

Một khi các DN không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường khả năng ứng phó để giảm thiểu những thiệt hại. 

Đối với DN, trước mắt cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô; tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bản thân DN cần nhận thức đúng đắn về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng, từ đó tăng cường tính liên kết và minh bạch thông tin giữa các thành phần tham gia trong chuỗi nhằm thu thập thông tin, đánh giá rủi ro có thể xảy ra và có kế hoạch ứng phó. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của DN và trong bối cảnh các địa phương đang khẩn trương đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế thì DN cần nhanh chóng xây dựng kịch bản, căn cứ thực tế để có kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp.

Trong bối cảnh hiện nay, dù nhiều khó khăn và thách thức đan xen nhưng việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đã và sẽ đem lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế và DN Việt Nam. Để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đưa ra các định hướng, giải pháp, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa Nhà nước và DN trong quá trình nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Tiến sĩ Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=652
Quay lên trên