Dù ông Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), khẳng định mối quan hệ giữa RIAV và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vẫn chưa đến mức căng thẳng, nhưng trên thực tế, vài tháng qua, sau khi VCPMC đưa ra mức giá tác quyền tăng 100%, cả hai bên vẫn chưa có được sự thống nhất.
Do vướng mắc về giá tác quyền âm nhạc, năm 2011, thị trường băng đĩa chỉ có các sản phẩm do chính ca sĩ sản xuất, phát hành; thiếu vắng các sản phẩm, chương trình do các hãng băng đĩa thực hiện.
Thời buổi giá cả mặt hàng nào cũng tăng, việc tăng tiền tác quyền cũng là chuyện bình thường và hợp lý. Tuy nhiên, tăng như thế nào và lộ trình ra sao để hai bên có thể chấp nhận được. Bảng giá mới mà VCPMC đưa ra chưa có sự thống nhất đồng ý (bằng văn bản) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của cơ quan tài chính nhà nước nên chưa hợp lý. Việc đơn phương đưa ra giá mới để RIAV phải tuân theo, không chấp nhận đàm phán, bàn bạc là chưa thấu tình. Trong khi năm 2003, trước khi có bảng giá thu tác quyền âm nhạc, VCPMC và RIAV đã cùng bàn bạc và thống nhất khung giá cho các loại hình sản xuất. Tại sao bây giờ lại không thể làm như thế, dẫn đến căng thẳng…
Nghị định 61/2002/NĐ-CP có quy định việc trả nhuận bút cho tác phẩm sử dụng dưới hình thức xuất bản phẩm, khung giá nhuận bút cho: băng âm thanh, đĩa âm thanh là 4%-5% và băng hình, đĩa hình là 6%-8% (nhuận bút = tỷ lệ % x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng in). Nhưng thực tế, từ rất lâu, các nhà sản xuất (NSX) không áp dụng khung giá này, vì thủ tục khi xin giấy phép hiện nay NSX phải đóng tiền tác quyền xong mới được cấp phép, mà nếu theo Quy định 61 thì việc chi trả tác quyền chỉ đến sau khi sản phẩm đã được phát hành.
Một vấn đề khác được đặt ra, thủ tục cấp phép sản xuất chương trình âm nhạc hiện nay vẫn là bức xúc với NSX. Tại Hà Nội, NSX chỉ cần làm cam kết sẽ trả đầy đủ tác quyền cho tác giả là được Sở VH-TT-DL Hà Nội cấp phép sản xuất. Nhưng tại TPHCM, NSX phải trình đầy đủ các giấy tờ chứng nhận đã trả tiền tác quyền cho VCPMC (hoặc cho các tác giả) mới được cấp phép.
RIAV đã có văn bản đề nghị RIAV sẽ đứng ra bảo lãnh, trả tiền tác quyền cho tất cả thành viên của mình, để dễ dàng, nhanh chóng trong khâu sản xuất, nhưng Sở VH-TT-DL TP.HCM không chấp nhận hình thức này. Nhiều NSX vì muốn chương trình sản xuất theo đúng tiến độ, đã phải “chạy” ra Hà Nội, nhờ một hãng băng đĩa có trụ sở ngoài Hà Nội xin giấy phép “giùm”. Dĩ nhiên mọi chuyện êm đẹp, nhưng NSX vẫn muốn trên giấy phép, trên sản phẩm là tên đơn vị mình chứ không phải “núp bóng” đơn vị khác. Vấn đề đặt ra, tại sao trong cùng một đất nước, cùng chịu sự quản lý chung của nhà nước, mà mỗi thành phố lại có cách điều hành, xử lý khác nhau?!
Câu chuyện về bản quyền tác giả vẫn chưa đến hồi kết. Ông Trần Chiến Thắng khẳng định, sắp tới đây, với cương vị là Chủ tịch RIAV, ông sẽ có buổi làm việc với Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân, cơ quan chủ quản của VCPMC, để có cách giải quyết ổn thỏa nhất.
Theo SGGP