Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Hợp lý, công bằng và thuận lợi cho học sinh

Cập nhật: 05-12-2023 | 08:34:36

(BDO) Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là thông tin được mọi người quan tâm suốt thời gian qua bởi năm 2025 là năm đầu tiên học sinh (HS) học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương án này được đông đảo HS, giáo viên và phụ huynh đồng tình, ủng hộ.

 Thí sinh Bình Dương tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

 Phương án 2+2

Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn. Theo đó, thí sinh tham gia kỳ thi này sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn thi tự chọn trong số những môn học trong chương trình giảng dạy lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDDT của Bộ GD&ĐT ngày 28-11-2023 về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Trong đó, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Phương án thi được thực hiện từ năm 2025.

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Trong giai đoạn từ năm 2025-2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. Dự kiến cuối quý IV-2023, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để thí sinh tham khảo và chuẩn bị tinh thần, kiến thức tốt nhất cho kỳ thi quan trọng này.

Phấn khởi với phương án mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của HS học chương trình GDPT 2018 theo hướng đổi mới, phát huy tối đa năng lực người học. Theo chương trình GDPT 2018, ngay từ đầu năm lớp 10, các em HS đã được lựa chọn và học theo tổ hợp môn phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Chính vì thế, ngay khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đông đảo HS, giáo viên và phụ huynh đồng tình, ủng hộ và cho rằng phương án này là hợp lý, công bằng, thuận lợi cho tất cả các bên.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi 2+2, em Phan Thị Phương Anh, HS trường THPT An Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa mới công bố là phù hợp với tất cả HS và các em sẽ phát huy hết năng lực, sở trường của bản thân. Trong khi đó, em Lê Yến Linh, HS trường THPT Thái Hòa (TP. Tân Uyên), chia sẻ: “Ngay từ khi có thông tin lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ Bộ GD&ĐT, em luôn quan tâm và mong chờ bộ chốt phương án cuối cùng. Khi biết được phương án 2+2, em rất vui bởi phương án này giúp HS giảm bớt áp lực, tạo điều kiện cho chúng em hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT - bước đệm quan trọng để bước vào ngưỡng cửa đại học”.

Thầy Nguyễn Trí, giáo viên trường THPT Dầu Tiếng, chia sẻ phương án 2+2 sẽ bảo đảm sự gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm áp lực cho HS cũng như cho giáo viên. Phương án này cũng bảo đảm sự cân bằng giữa hai nhóm môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tạo điều kiện cho các em lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. “Với phương án này, các em HS cần lưu ý và phải hiểu được bản chất của việc học và việc thi. Các môn không chọn thi thì vẫn phải học để đánh giá theo quy định, tránh quan niệm môn không thi thì không học. HS cần căn cứ trên năng lực, sở thích... của bản thân để chọn đúng, trúng môn học để định hướng nghề nghiệp sau này. Chọn môn học không phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân sẽ dẫn đến mất thời gian, tốn kém”, thầy Trí nhấn mạnh.

Việc Bộ GD&ĐT chốt phương án thi 2+2 sớm sẽ giúp cho HS có thời gian để kịp chuẩn bị, ôn tập kỹ cho kỳ thi xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tuy nhiên, việc thay đổi các môn thi tốt nghiệp THPT cũng đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng phải thay đổi phương thức xét tuyển cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho thí sinh. Ngoài ra, việc tổ chức thi cũng cần phải có phương án chuẩn bị chu đáo để bảo đảm chất lượng, an toàn và thành công như kỳ vọng.

 Theo Bộ GD&ĐT, 2+2 là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Đại đa số ý kiến thành viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ủng hộ phương án 2+2. Các thành viên hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu điểm của phương án 2+2, như: Đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp HS phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018...

 HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X