Phường Thới Hòa, TX.Bến Cát: Đồng lòng thực hiện văn minh trong tang lễ

Cập nhật: 29-06-2015 | 08:11:27

Trong những năm qua, việc triển khai và thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ trên địa bàn phường Thới Hòa, TX.Bến Cát có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kết quả này nhờ Đảng bộ phường có những cách làm hay, đảng viên gương mẫu đi đầu trong phong trào để tạo sức lan tỏa và đồng thuận của người dân.

 Cán bộ, đảng viên phường đến vận động người dân không rải vàng mã trong tang quyến tại gia đình chị Nguyễn Thị Thi

 Cách làm hay

Cách nay chưa lâu, các đám tang ở phường Thới Hòa còn khá phổ biến các hủ tục, điển hình như việc rải vàng mã, tổ chức ăn uống linh đình, cúng viếng nhiều vòng hoa, để người quá cố trong gia đình quá thời gian quy định... Từ năm 2013, phường có quyết định về việc ban hành quy chế thực hiện lành mạnh trong việc tổ chức tang lễ, đặc biệt không rải vàng mã khi đưa tang. Sau khi ban hành quy chế, phường tuyên truyền đến nhân dân thông qua hệ thống loa truyền thanh phường, qua các đoàn thể, chính quyền, tới từng dòng họ, hộ gia đình để người dân cùng thực hiện.

Đảng ủy phường cũng đã đưa việc thực hiện văn minh trong việc tang lễ là nhiệm vụ trong “Xây dựng các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, mang lại kết quả thiết thực” của Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đối với các ban ngành, đoàn thể trong phường, UBND phường lập kế hoạch chỉ đạo từng ngành vận động nhân dân thực hiện bằng nhiều hình thức. Ông Nguyễn Long Bình, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường cho biết, người cao tuổi là những người chủ gia đình nên việc vận động các thành viên trong gia đình thực hiện việc không rải vàng mã, mê tín dị đoan khi gia đình có tang rất dễ dàng. Do đó, trong các cuộc họp, Ban Chấp hành hội đều đề cập đến vấn đề này để hội viên nắm rõ, ký cam kết thực hiện. Bên cạnh đó, những gia đình hội viên, hay người dân khi có hữu sự, Ban Chấp hành hội đến gặp gỡ, chia buồn và vận động.

“Bà con xa không bằng láng giềng gần”, nắm bắt điều này, Ban điều hành khu phố là những người luôn gần gũi với người dân đã đến từng hộ, gặp từng người tuyên truyền thực hiện văn minh trong việc tang lễ. Ông Nguyễn Thành Danh, Bí thư Chi bộ khu phố 3B cho rằng, theo ý kiến của nhiều người, rải vàng mã khi đưa tang vốn trở thành hủ tục tồn tại từ lâu đời nên cần phải có thời gian và cả quyết tâm mới bỏ được. Muốn bỏ hủ tục này, giải pháp cần làm hiện nay là khi gia đình nào có đám tang, tổ trưởng, khu phố đến tang gia vận động không rải vàng mã khi đưa tang. Bên cạnh đó, vấn đề hiếu nghĩa là truyền thống tốt đẹp. Khi thuyết phục người dân, phải lấy yếu tố tâm linh để giải thích vấn đề tâm linh, vừa hợp lý để người dân làm trọn hiếu nghĩa, hiếu đạo nhưng cũng phù hợp theo chủ trương của Nhà nước. Qua quá trình vận động trong 5 năm (2010-2015), khu phố có 10/10 gia đình có tang lễ không rải vàng mã.

Bên cạnh việc thực hiện ở từng khu phố, tổ, bộ máy chính quyền phường nắm vai trò khá quan trọng. Cán bộ địa phường đều cam kết chấp hành, không để gia đình, người thân rải vàng mã khi đưa tang. “Ở địa phương, bắt đầu những cán bộ, đảng viên có người thân qua đời đã thực hiện tốt chủ trương này, tạo nên phong trào mạnh mẽ trong người dân. Đến nay, công tác này quán triệt đến từng cán bộ, họ trở thành những người làm gương không để xảy ra tình trạng rải vàng mã khi đưa tang”, ông Phạm Văn Định, Phó Bí thư Đảng ủy phường cho biết.

Hiệu quả

Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, chuyện rải vàng mã trên đường đưa tang gần như được giải quyết triệt để. Ông Phạm Văn Định, Phó Bí thư Đảng ủy phường cho biết, trong 5 năm 2010-2015, trên địa bàn phường có 35 gia đình có tang quyến, trong đó có 30 hộ đồng tình thực hiện không rải vàng mã (đạt 85%). Một số gia đình do phong tục, tập quán vẫn chưa chấp hành tốt, nhưng đã ý thức bằng cách khi đưa tang đến các ngã ba, ngã tư, họ chỉ dừng lại đốt vàng mã một góc rất vệ sinh; hoặc rải ít. Có thể thấy con số 85% chưa thật sự cao, nhưng đã chứng tỏ sự nỗ lực của địa phương so với một số nơi khác.

Tại nhà chị Nguyễn Thị Thi, sau khi mẹ chị qua đời, gia đình được tổ trưởng, khu phố, cán bộ phường đến chia buồn, vận động thực hiện văn minh trong việc tang lễ. Chị Thi nói: “Ban đầu, một số cụ lớn tuổi trong dòng tộc ở xa về không cho chôn sớm vì còn chờ đông đủ họ hàng, sau đó phải rải vàng mã để đưa tiễn mẹ về nơi chín suối. Nhưng được các cô chú trong tổ, khu phố tới nhà vận động mọi người đã đồng tình. Riêng tôi, tôi thấy việc không rải vàng mã cũng đỡ cho gia đình một khoản chi phí trong tang lễ, mặt khác góp phần bảo vệ môi trường”.

Ngoài việc người dân đồng tình không rải vàng mã, những hộ dân khi gia đình có tang đã ý thức không mê tín dị đoan và không tổ chức chơi đánh bài trong đám tang. Ông Định cho biết thêm, địa phương còn tạo điều kiện cho những người dân từng sống ở đây đi làm ăn xa, định cư ở nơi khác khi qua đời có nguyện vọng được chôn cất tại nghĩa trang phường với kinh phí 500.000 đồng/huyệt mộ. Số tiền này sẽ bổ sung vào quỹ chăm sóc nghĩa trang phường. Với những trường hợp các đám tang nơi khác đưa về địa phương, có một vài gia đình chưa nắm được thông tin nên rải rác còn xảy ra đốt vàng mã nhưng con số này rất ít và cũng được nhắc nhở sau khi công việc đưa tang kết thúc.

 T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2297
Quay lên trên