Được mệnh danh là “Quả đấm thép”, trong những ngày tháng 4 lịch sử, hòa chung với khí thế hừng hực của quân đội nhân dân Việt Nam, Binh đoàn Tây Nguyên - mũi tiến công thứ 3 trong 5 mũi tiến công của quân ta - đã đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu của ngụy và phi trường Tân Sơn Nhất, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chuyện kể của vị Đại tá
Tuy đã bước vào tuổi 62 nhưng Đại tá Phạm Chào – nguyên Cục trưởng Cục Chính trị – Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Gương mặt ông như sáng bừng lên khi nghe chúng tôi hỏi về những ngày cùng với các đơn vị thuộc Binh đoàn Tây Nguyên tham gia vào các trận đánh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 3-1975, chúng ta mở chiến dịch Nam Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột. Bằng nghệ thuật lừa địch, ta đã cắt rời địch thành hai mảng Nam và Bắc Tây Nguyên với các chiến trường khác, Quân đoàn 3 đã bí mật và bất ngờ tấn công Buôn Ma Thuột, tiêu diệt Sư đoàn 2, Sư đoàn 3 và toàn bộ lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột; tiếp đó giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa và một phần tỉnh Bình Định. Ngày 10-3-1975, Buôn Ma Thuột hoàn toàn được giải phóng, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Tây Nguyên được giải phóng hoàn toàn vào ngày 25-3-1975.
9 giờ 30 ngày 30-4-1975, quân Giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu
Sau khi chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu, hoàn thành sứ mệnh cách mạng, ngày 26-3-1975, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên, từ những đơn vị chủ lực của Mặt trận B3. Ngày 12-4-1975, Binh đoàn Tây Nguyên hành quân về Đông Nam bộ mở chiến dịch mới.
Đồng chí Phạm Chào cho biết, dẫu sau chiến thắng ở chiến trường Tây Nguyên quân ta chưa được nghỉ ngơi, nhưng tất cả chiến sĩ của binh đoàn rất hồ hởi, khi được đóng góp sức mình vào chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng thống nhất đất nước, tất cả cùng hô to khẩu hiệu truyền miệng: “Thời cơ thôi thúc, nhiệm vụ vinh quang, xốc tới vươn lên, quyết giành toàn thắng”. Ngày 18-4-1975, Sư đoàn 470, 471 (thuộc Binh đoàn Tây Nguyên) hành quân đến Dầu Tiếng, vào rừng cao su củng cố lực lượng, chuẩn bị quân trang, quân dụng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 24-4-1975, Binh đoàn Tây Nguyên được phổ biến chuẩn bị mở chiến dịch và sẽ đảm nhận một mũi thọc sâu vùng Tây Bắc Sài Gòn.
5 giờ 30 phút sáng 29-4-1975, từ vị trí tập kết ở rừng cao su Củ Chi, các đơn vị thuộc Binh đoàn Tây Nguyên đi vòng theo các đường 1 và đường 15 tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất theo 2 mũi, quân địch chống cự rất ác liệt nhằm ngăn chặn thế tấn công của bộ đội ta. Suốt một ngày chiến đấu (từ 5 giờ 30 phút sáng đến 14 giờ chiều), chúng ta với khí thế chiến đấu cao, vừa đi vừa đánh đã bắn cháy 5 xe tăng, 1 tiểu đoàn của địch, quét sạch hết mọi kháng cự của địch ở, trại huấn luyện Quang Trung, cầu Bông, kênh Xáng.
21 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, ta chiếm luôn ngã tư Bảy Hiền, tiến sát đến cổng số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất. 7 giờ sáng ngày 30-4-1975, quân ta với 2 mũi tấn công: Trung đoàn 24 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu của ngụy, đến 9 giờ sáng chiếm Sở Chỉ huy không quân và Sư đoàn 5 không quân của địch, bắt sống được 3 đại tá. 11 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 chiếm được toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất và Trung đoàn 28 phối hợp cùng đơn vị bạn chiếm Bộ Tổng tham mưu của địch. Sư đoàn 10 với nhiệm vụ thọc sâu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Binh đoàn Anh hùng
Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Binh đoàn Tây Nguyên tiếp tục giúp các địa phương vùng giải phóng giữ vững chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân khu vực Sài Gòn – Gia Định, Thủ Dầu Một, Củ Chi. Tháng 6-1976, binh đoàn về đứng chân ở miền Trung – Tây Nguyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị tại địa phương và truy quét lực lượng Ful-rô, giữ vững an ninh, chính trị vùng giải phóng.
Đất nước vừa yên tiếng súng, hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, từng bộ phận và sau đó cả đội hình của Binh đoàn Tây Nguyên lên đường ra biên giới. Binh đoàn đã tổ chức nhiều chiến dịch, đánh hàng trăm trận, trừng trị và tiêu diệt nhiều đơn vị chủ lực của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêngxari, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Tháng 6-1979, binh đoàn hành quân ra phía Bắc làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Liên tục từ tháng 9-1985 đến tháng 7-1986, binh đoàn tiếp tục chiến đấu ở Vị Xuyên. Gần 10 năm ở đất Bắc, binh đoàn đã nỗ lực phấn đấu và đã trưởng thành về nhiều mặt.
Chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc kết thúc, năm 1987 từ miền Bắc, binh đoàn nhận nhiệm vụ trở lại Tây Nguyên. Vượt lên những khó khăn riêng tư, 100% cán bộ, chiến sĩ chấp hành mệnh lệnh lên đường. Đã 23 năm kể từ ngày trở lại Tây Nguyên, được sự đùm bọc, sẻ chia của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ binh đoàn đã nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống bộ đội Tây Nguyên, đoàn kết một lòng, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng binh đoàn tiến bộ toàn diện.
Sau khi Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên chuyển về Củ Chi, ngay trong đêm 28-4, Bộ Tư lệnh quân đoàn do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy đã đề ra kế hoạch tấn công. Bộ Tư lệnh quân đoàn đã quyết định - đánh chiếm Cầu Bông, cầu Xáng và bàn đạp Hóc Môn để Sư đoàn 320A siết chặt vòng vây căn cứ Đồng Dù, nhốt chặt Sư đoàn 25 ngụy và bắt đầu cuộc tiến công của Binh đoàn Tây Nguyên theo hướng Tây Bắc vào Sài Gòn và hiệp điểm cùng các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập. Theo hiệp đồng chung, Sư đoàn 320A chỉ được phép dứt điểm căn cứ Đồng Dù trong thời gian từ 5 giờ 30 đến 10 giờ 30. Đồng Dù là một căn cứ lớn được Sư đoàn 25 ngụy, một đơn vị mạnh của địch trấn giữ nên để thực hiện yêu cầu – chỉ được phép đánh thắng trong thời gian ngắn là không dễ nên Bộ Tư lệnh quân đoàn phân công đồng chí Nguyễn Kim Tuấn, Phó Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp chỉ huy trận đánh này. Đúng 5 giờ 30 ngày 29-4, Sư đoàn 320A nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù. Trong thời điểm Sư đoàn 320A đánh Đồng Dù thì Sư đoàn 316 đã tiến công chiếm chi khu Trảng Bàng. Các cánh quân khác của Quân đoàn 3 đã liên tiếp chiếm các vị trí chiến lược theo kế hoạch: Sau 50 phút đánh áp sát, Tiểu đoàn 20 Đại đội 10 đã tiêu diệt địch đánh chiếm Cầu Bông. Sau 30 phút chiến đấu quyết liệt, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn đặc công 198 và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 64) đã làm chủ cầu Xáng. Trong ngày 29-4, theo tiêu lộ do công binh cắm sẵn hai trục đường 5 và 6, xe ủi đất đi trước húc tung các bờ ruộng, ụ đất mở đường cho xe tăng và xe chở quân đi vào Sài Gòn. 347 xe các loại chở Sư đoàn 10 tươi lá ngụy trang, cắm cờ Tổ quốc, cờ hai màu xanh - đỏ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo đội hình hàng dọc nối nhau băng băng đi qua những cánh đồng Củ Chi, theo hướng Sài Gòn mà xốc tới. 17 giờ ngày 29-4, đội hình thọc sâu binh chủng hợp thành Trung đoàn 24 vượt cầu Tham Lương và tiến về áp sát ngã tư Bảy Hiền. Đến 21 giờ ngày 29-4, Trung đoàn 24 là mũi thọc sâu vào Sài Gòn sớm nhất của cánh quân hướng Tây Bắc.Ngày 30-4-1975. 9 giờ 30 Sư đoàn 10 đã đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. 11 giờ đại đội 1 (Tiểu đoàn 1) và Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) Trung đoàn 48 đã làm chủ Sở Chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy trong căn cứ Đồng Dù. Các điểm khác, Quân đoàn 3 đã tiến chiếm theo kế hoạch và họ cùng tiến về Sài Gòn. Sau 1 ngày tiến công quyết liệt, Quân đoàn 3 đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở hướng Tây Bắc Sài Gòn với chiều dài 40km.Đường vào Sài Gòn từ hướng Tây Bắc đã mở. Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải – Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên cho biết, ra đời và lớn lên từ cao nguyên hùng vĩ, mang sức mạnh của Tây Nguyên, binh đoàn đã làm nên những chiến công hiển hách, những chiến thắng vang lừng từ Nam ra Bắc. Từ ngày trở lại Tây Nguyên, Binh đoàn Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương chủ động triển khai nhiều hình thức, biện pháp dân vận đạt hiệu quả tốt. Binh đoàn đã đưa hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn tổ, đội công tác về với các buôn, làng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Từ đây mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân ngày càng bền chặt, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng người dân Tây Nguyên, như lời câu thơ:Tây Nguyên ai một lần qua đóSuốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau.
(THEO SGGP)